Chiều 1-9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ - ngành khác để thống nhất phương án nối lại đường bay quốc tế thường lệ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Sớm mở đường bay đến Hàn Quốc, Nhật Bản
Bộ GTVT đánh giá các chuyến bay quốc tế thường lệ đến những khu vực ưu tiên trước mắt gồm: Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia).
Trong khi đó, các hãng hàng không trong nước đã sẵn sàng mở lại những đường bay quốc tế. Đại diện Vietnam Airlines khẳng định đã sẵn sàng cho khai thác từ tháng 7-2020 các thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN ngay khi Chính phủ cho phép nối lại những đường bay. Hãng này cũng chuẩn bị các phương án bay đến châu Âu và Úc trong năm 2021.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ GTVT kiến nghị về việc mở đường bay quốc tế thường lệ đến Nhật Bản và Hàn Quốc từ ngày 15-9 với tần suất mỗi tuần 4 chuyến bay khứ hồi đến Hàn Quốc và 4 chuyến đến Nhật Bản. Theo đại diện Bộ GTVT, việc mở đường bay quốc tế còn chờ ý kiến của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng vì liên quan năng lực cách ly trong nước, chi phí với hành khách cách ly và quy định kiểm soát dịch khi nhập cảnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Ban Truyền thông thương hiệu của Vietnam Airlines, cho biết với đường bay Hàn Quốc và Nhật Bản, hãng đã chuẩn bị từ rất lâu. Hai thị trường này, hãng đều có tổ chuyên trách, khi được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền sẽ lên lịch bay chính thức, mở hệ thống bán vé để bay ngay. Hãng vẫn đang chờ đánh giá của Chính phủ về mức độ rủi ro và yêu cầu biện pháp phòng chống dịch cụ thể, sau đó bổ sung những yêu cầu, tiêu chuẩn riêng của hãng.
Hành khách khai báo y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cần tham chiếu tiêu chuẩn toàn cầu
TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại đường bay với những nước đã kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình bảo đảm phòng ngừa dịch bệnh và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không, qua đó cho phép khách du lịch nhập cảnh.
"Từng bước mở cửa hàng không sẽ giúp các hãng duy trì hoạt động, giảm bớt căng thẳng về dòng tiền đang khan hiếm trầm trọng, bảo đảm thu nhập, việc làm cho người lao động, từ đó có cơ hội phục hồi, đóng góp vào ngân sách và nền kinh tế nhiều hơn. Việc từng bước mở cửa hàng không quốc tế phải bảo đảm nguyên tắc phòng chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội; an toàn của hành khách và phi hành đoàn cần được ưu tiên hàng đầu" - TS Bùi Doãn Nề phân tích. Để làm được việc này, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT ban hành quy định về quy trình phòng chống dịch trong ngành hàng không, phối hợp với các quốc gia thống nhất quy định, quy trình.
Mới đây, Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) đã ban hành "Hướng dẫn đi lại hàng không qua cuộc khủng hoảng y tế công cộng Covid-19". Đây là tiêu chuẩn toàn cầu về biện pháp tạm thời để các chính phủ và hãng hàng không hoạt động an toàn trong cuộc khủng hoảng đại dịch. Trong đó đã hướng dẫn quy định rất rõ từng khâu, như tại nhà ga, lên - xuống tàu bay; vệ sinh tàu bay, chất lượng không khí trên tàu bay, hoạt động trên chuyến bay… "Đây là tài liệu tham chiếu rất quan trọng để xây dựng quy trình kịch bản đi lại hàng không quốc tế trong giai đoạn có dịch. Vấn đề là chúng ta cần khẩn trương phối hợp xây dựng, ban hành quy định, quy trình đối với các chuyến bay thương mại quốc tế, quy trình, cách ly; làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng hãng…".
Hướng dẫn phòng dịch với người nhập cảnh
Bộ Y tế vừa xây dựng hướng dẫn y tế phòng chống dịch Covid-19 đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày). Theo đó, những người nhập cảnh Việt Nam làm việc ngắn ngày được quy định bao gồm nhà đầu tư, lao động tay nghề cao, chuyên gia, quản lý doanh nghiệp cùng thân nhân và các đối tượng theo thỏa thuận với từng nước (gọi chung là chuyên gia); những khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ.
Các chuyên gia, khách nhập cảnh không phải cách ly y tế tập trung 14 ngày nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn và không để lây nhiễm chéo, không lây nhiễm ra cộng đồng. Chuyên gia phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Real time-PCR từ 3-5 ngày trước ngày nhập cảnh Việt Nam và có kết quả xét nghiệm âm tính.
Khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, khách VIP từ cấp thứ trưởng hoặc tương đương trở lên không bắt buộc phải có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2; không phải cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone và xét nghiệm sau khi nhập cảnh.
Ng.Dung
Xem thêm: mth.30454140210900202-naot-na-et-couq-yab-gnoud-om/et-hnik/nv.moc.dln