Cây sồi 300 tuổi vào mùa thay lá ở Toronto - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Science Alert, cây sồi 300 tuổi thuộc giống sồi đỏ, được trồng từ khi Pháp tiến hành chuyển giao nhiều thuộc địa ở Bắc Mỹ cho Anh, khoảng giữa thế kỷ 18. Tính ra cây sồi này già hơn trăm năm so với lịch sử Canada, đất nước thành lập năm 1867.
Nhà sử học Madeleine McDowell cho biết vào giai đoạn bắt đầu khai phá vùng đất mới, các thương nhân thường trồng một số cây thân lớn để đánh dấu đường đi. Cây sồi ở Toronto cũng được trồng trên đường giao thương đến hồ Ontario.
Sau gần 3 thế kỷ, cây sồi cao 24m, thân rộng đến 5m. Cây nằm ngay trong khu dân cư tại khu vực trung tâm North York, Toronto (Canada).
Tuy nhiên, cây không thuộc sở hữu của địa phương mà của chủ đất nơi cây được trồng. Chủ nhân khu đất, ông Ali Simag, cho biết chi phí chăm sóc cây quá lớn.
Ngoài ra, rễ cây bắt đầu có dấu hiệu sắp trồi lên mặt đất, làm nứt một phần móng nhà xung quanh. Ông phàn nàn cây sồi làm giảm giá trị ngôi nhà đến gần 80.000 USD và có ý định chặt bỏ.
Cây sồi nằm sát bên ngôi nhà của chủ đất - Ảnh: GETTY IMAGES
Năm 2018, hội đồng thành phố thông qua kế hoạch thương thảo với các chủ nhà mua lại khu đất và một số nhà xung quanh cây sồi 300 tuổi để chăm sóc tốt hơn.
Toronto đặt mục tiêu có thể biến khu vực này thành một công viên, trong đó điểm nhấn là cây sồi cổ thụ. Đây cũng là cách giúp người dân biết nhiều hơn đến giá trị của cây sồi này.
Tuy nhiên đến nay, quá trình thương thảo gặp vấn đề lớn. Dự kiến cần 750.000 USD để mua lại khu đất quanh cây sồi, trong đó thành phố sẽ bỏ ra hơn phân nửa.
Phần còn lại, khoảng 325.000 USD, thành phố sẽ vận động từ nguồn xã hội hóa. Trong hợp đồng, hạn chót đến tháng 12-2020, phải quyên góp được 325.000 USD, nhưng đến nay số tiền này mới được khoảng 125.000 USD.
Nguyên nhân chủ yếu là do dịch COVID-19 ập đến khiến những nguồn tiền ủng hộ cho dự án trở nên eo hẹp hơn.
Cây sồi và căn nhà vào mùa đông - Ảnh: TWITTER
Bà Edith George - người dân sống trong khu vực - đã từng dành 14 năm chăm sóc và vận động các chủ nhà cũng như chính quyền địa phương giữ lại cây.
Trước khó khăn trong quyên góp giữa đại dịch, bà George cho biết nhiều người có tâm huyết đang liên hệ với các tổ chức phi chính phủ để mong được hỗ trợ.
Manjit Jheeta - Giám đốc Văn phòng Đối tác Toronto - nhấn mạnh cây sồi không chỉ là một phần di sản của thành phố mà có giá trị về sinh thái. Ước tính, mỗi năm cây hấp thụ hơn 11 tấn carbon trong khí quyển.
Với những dấu hiệu bệnh của cây, một nhóm nhà khoa học tại Toronto sẽ sử dụng công nghệ siêu âm để đánh giá chất lượng của từng nhánh rễ cây.
Bà Edith George dành nhiều năm để vận động giữ lại cây sồi - Ảnh: CNN
Nhóm chú trọng thu thập các dữ liệu về chiều dài, độ rỗng mục và các mối đe dọa hiện tại như rễ cây bị động vật dưới đất cắn phá hay vướng phải móng nhà trong khu dân cư.
Theo các chuyên gia, quy hoạch lại khu vực xung quanh là giải pháp tốt nhất lúc này. Khi đó, cây sẽ được bảo vệ khỏi các tác động của những công trình xây dựng trong khu vực.
Ngoài ra, nếu quy hoạch thành công viên, thành phố có thể xây thêm những mảng cây xanh xung quanh hỗ trợ cho cây sồi lịch sử này, thay vì chỉ đứng một mình như hiện nay.
Điều này sẽ giúp cây chống chọi lại giông bão tốt hơn.
Theo nhóm chuyên gia này, nếu được chữa trị sớm và chăm sóc trong điều kiện thích hợp, cây có thể sống thêm ít nhất 200 năm.
TTO - Nghiên cứu mới đây ở Anh cho thấy trẻ em nước này dường như ngày càng ít hiểu biết về thế giới tự nhiên, nhiều em không 'biết mặt' con ong, lá cây sồi dù đây là những động thực vật phổ biến.
Xem thêm: mth.66564843113800202-yan-coun-ac-noh-aig-iout-003-ios-yac-uuc-hcac-mit-adanac/nv.ertiout