Trong những năm gần đây, khi vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp thiết, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, vấn đề nông nghiệp sạch và nông sản sạch luôn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quan tâm chỉ đạo. Đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch và xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh nông sản sạch.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh chia sẻ với Lao Động về vấn đề này.
- Xác định nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề cốt yếu của một nền nông nghiệp không chỉ sạch mà còn năng suất cao, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đẩy mạnh hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Các chính sách của Chính phủ đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn đầu tư, nâng cao trình độ sản xuất, hình thành các tập đoàn nông sản mạnh theo chuỗi, giúp nông sản Việt Nam tăng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, ổn định thị trường trong nước, vươn tầm cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Điển hình, một số doanh nghiệp lớn như: Cty VinEco; Cty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Cty TNHH Hoàng Phát Fruit, Nafoods, TH True milk, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông…. Năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581.
Đến hết 5.2020, cả nước có 1.292 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng số 15.592 HTX nông nghiệp. Cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Nhà nước cũng đã hỗ trợ thành lập 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo hạt nhân về công nghệ cho một số vùng sinh thái nông nghiệp (tại Phú Yên, Bạc Liêu và Hậu Giang).
Tuy phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng đầu tư vào lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân nào là nút thắt chính, thưa ông?
- Nguyên nhân có nhiều, trong đó, một là, khó khăn về vốn. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần đầu tư nguồn vốn rất lớn để xây dựng hạ tầng, trang thiết bị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn khó khăn do tính rủi ro cao trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các ngân hàng thương mại ngại cho vay. Tài sản trên đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng. Hai là, khó khăn về đất đai. Để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần phải có đất đai quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông. Quá trình tích tụ và tập trung đất đai còn chậm, chưa tạo động lực thu hút các nhà đầu tư; thủ tục thuê, chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp còn nhiều thủ tục gây phiền hà. Ba là, khó khăn về thị trường tiêu thụ. Hiện nay, ở nước ta, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định dẫn đến hiệu quả sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư. Bốn là, khó khăn về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Năm là, khó khăn về chính sách. Một số chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta thời gian qua còn nhiều bất cập...
Trong các nguyên nhân nêu trên, việc tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với người sản xuất chưa trở thành phổ biến và chủ đạo, dẫn đến kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng cao. Đây là nguyên nhân chính gây ra những nút thắt cản trở quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hàng hóa quy mô lớn tại Việt Nam.
Thưa ông, vấn đề an toàn thực phẩm là điểm trừ của một số loại nông sản Việt Nam khi xuất ra thị trường thế giới, có những lô hàng đã bị trả lại. Để chấm dứt tình trạng này, sắp tới Bộ NNPTNT sẽ triển khai những giải pháp nào, nhất là khi các hiệp định thương mại lớn thế hệ mới như EVFTA, CPTPP được thực thi?
- Việc tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA tạo cơ hội rất lớn nhưng cũng là thách thức đối với sản xuất nông nghiệp trong nước. Do yêu cầu của các nước nhập khẩu về chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng cao và chủ thể nhập khẩu cũng tạo ra các rào cản để bảo hộ sản xuất trong nước dẫn đến việc xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, có những lô hàng bị trả lại.
Để hạn chế được vấn đề này, Bộ NNPTNT đã và đang chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, trong đó tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại EVFTA, CPTPP để kiến nghị Chính phủ điều chỉnh bổ sung kịp thời đảm bảo phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế… Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến các doanh nghiệp nông nghiệp về các ưu đãi và lợi thế của từng dòng hàng nông lâm thủy sản; hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu để gia tăng hàm lượng giá trị nội địa, nắm rõ các quy định của EVFTA để vận dụng đúng và hưởng lợi ưu đãi từ hiệp định, đặc biệt đối với nông lâm thủy sản đã qua chế biến; phổ biến rộng rãi các quy định nhập khẩu của từng thị trường tới các địa phương và người sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; nâng cao năng lực của các tổ chức nông dân. Qua đó, tăng cường hơn nữa năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa đối với các mặt hàng như thịt, sữa; hỗ trợ sinh kế cho hộ sản xuất nhỏ.
Cần xây dựng chiến lược phát triển thị trường nông lâm thủy sản vào EU, cũng như chiến lược thu hút FDI từ EU vào nông nghiệp Việt Nam để gắn nông nghiệp Việt Nam với chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu, tận dụng tốt nhất lợi thế của các bên trong quan hệ thương mại và đầu tư...
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Xem thêm: odl.134238-uac-naot-irt-aig-iouhc-aig-maht-ed-uey-tat-eht-ux-hcas-peihgn-gnon/et-hnik/nv.gnodoal