Theo thông báo từ hải quan Trung Quốc, nhà tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới đã đình chỉ nhập khẩu lúa mạch từ công ty CBH Grain Pty ở miền Tây nước Úc vì tìm thấy cỏ dại có hại trong hàng hóa. Úc đã được thông báo về thông tin này.
Động thái trên là diễn biến mới nhất trong một loạt những hành động chống hàng xuất khẩu Úc của Trung Quốc, xảy ra một ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố điều tra chống trợ cấp đối với rượu vang của Canberra. Chưa đầy 2 tuần trước, Trung Quốc còn thông báo họ đã bắt đầu điều tra chống phá giá với sản phẩm này.
Mối quan hệ giữa 2 đối tác thương mại ngày càng trở nên căng thẳng. Ngoài việc cấm Tập đoàn Huawei tham gia vào mạng 5G của Úc, việc Úc thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19 đã gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc.
Trung Quốc ngừng nhập khẩu lúa mạch từ Úc. Ảnh: iStock
Phát ngôn viên của CBH, nhà xuất khẩu lúa mạch lớn nhất của Úc, tuyên bố sẽ làm việc với chính phủ để đối đầu với lệnh đình chỉ và chưa tìm thấy bằng chứng chứng minh các cáo buộc của Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Úc Mathias Cormann nói với các phóng viên vào ngày 2-9 rằng CBH vốn nổi tiếng trong việc cung cấp "các sản phẩm ngũ cốc chất lượng cao". Theo lời ông Cormann, một khi chính phủ hiểu rõ các chi tiết của lệnh cấm, họ sẽ làm việc với công ty CBH để đưa ra các thông báo phù hợp với Trung Quốc.
Vào tháng 4, đại sứ Trung Quốc tại Canberra cảnh báo người tiêu dùng Trung Quốc có thể chọn tẩy chay hàng xuất khẩu của nước này vì quan hệ căng thẳng.
Cũng trong ngày 1-9, Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham cho biết Úc không hiểu vì sao cơ quan chức năng Trung Quốc lại bắt giữ phát thanh viên truyền hình người Úc Cheng Lei. Tối 31-8, chính phủ Úc xác nhận bà Cheng bị bắt 2 tuần trước.
Bà Cheng là người chủ trì một chương trình kinh doanh và cũng là phát thanh viên nổi tiếng trên kênh tiếng Anh CGTN của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Tuy nhiên, các đoạn video về bà đã bị gỡ bỏ khỏi trang web của CCTV.
Chính quyền Trung Quốc cũng chưa công bố thông tin về việc bắt giữ bà Cheng. Trong cuộc họp báo ngày 1-9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận các chi tiết về vụ việc của bà Cheng mà chỉ nói rằng Trung Quốc sẽ hành động theo luật pháp.
Xem thêm: nhc.81263616120900202-cu-iov-peit-neil-nod-ar-couq-gnurt/nv.fefac