Đường gỡ thẻ vàng thuỷ sản… còn xa
T.H
(TBKTSG Online) - Nhiều tàu cá vi phạm và việc quản lý tàu cá vẫn còn bất cập là những nút thắt khiến Việt Nam rất khó gỡ “thẻ vàng” EU.
Việc quản lý tàu hay truy suất nguồn gốc tại nhiều địa phương vẫn còn khá bất cập. Ảnh: Hà Nam |
Nhiều địa phương lơ là quản lý
Sau hơn hai năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo tình trạng Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), EC đã tiến hành thanh tra ba lần tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết EC đánh giá cao những việc Việt Nam đã làm được và đã có chuyển biến rất tích cực về chống khai thác IUU. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra bốn “nút thắt” mà Việt Nam phải tháo gỡ để sớm lấy lại “thẻ xanh”, đó là tàu không vi phạm, quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật.
Trên thực tế, việc quản lý tàu hay truy xuất nguồn gốc tại nhiều địa phương vẫn còn khá bất cập. Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá rất nhiều địa phương chưa thực hiện đúng lộ trình đã quy định.
Chẳng hạn, tính đến tháng 6 vừa qua, toàn tỉnh Hải Phòng mới lắp đặt thiết bị giám sát cho 250 tàu cá, còn 170 chiếc chưa thực hiện. Tỉnh mới chỉ có 52,8% số tàu cá hoạt động khai thác thủy sản có giấy phép khai thác thủy sản; 27,62% số tàu cá hoạt động tại vùng khơi có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, địa phương này còn chưa thực hiện đầy đủ việc thông báo tàu cá ra vào cảng theo quy định, nhưng ban quản lý cảng cá vẫn cho tàu cập cảng và không xử lý vi phạm đối với những tàu không thực hiện. Các đơn vị chức năng còn chưa chú trọng kiểm tra, xử lý hành vi khai thác bất hợp pháp như hoạt động không có giấy phép khai thác thủy sản, giấy phép khai thác thủy sản hết hạn, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không nộp nhật ký khai thác, không đánh dấu tàu cá, hoạt động sai vùng của tàu cá.
Hay tại Nam Định, việc tổ chức thẩm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên chỉ đạt 14,3%. Tàu cá không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm vẫn đi khai thác thủy sản mà không bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Ngoài ra, việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá chậm, đến tháng 6 vừa qua, toàn tỉnh Nam Định mới lắp đặt được 330 thiết bị. Nam Định cũng là địa phương chưa cập nhật đầy đủ số liệu nghề cá vào cơ sở dữ liệu VNFishbase, đặc biệt là số liệu tàu cá đã được đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá việc kiểm tra, xử lý các hành vi khai thác IUU được quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các văn bản xử lý vi phạm hành chính có liên quan chưa được Nam Định thực hiện.
Vì vậy, tình trạng các tàu có hành vi vi phạm như không thông báo ra, vào cảng; không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, nộp nhật ký khai thác; không lắp thiết bị giám sát hành trình; không đánh dấu tàu cá; không viết số đăng ký; không cập cảng chỉ định cho tàu vùng khơi để bốc dỡ thủy sản… vẫn xảy ra mà không bị xử lý.
6 tháng: 31 tàu bị nước ngoài bắt giữ
Theo Tổng cục Thủy sản, bên cạnh sự quản lý lỏng lẻo ở một số địa phương, số tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ trong sáu tháng đầu năm là 31 vụ trong tổng số 47 tàu bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ (giảm so với con số 29 vụ/59 tàu của cùng kỳ năm 2019).
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết về vấn đề quản lý đội tàu, so với các nước xung quanh, việc lắp thiết bị giám sát hành trình Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn do có lượng tàu lớn, trên 30.000 tàu.
Những tàu cá có chiều dài trên 24 mét đã lắp đặt đạt trên 90%; số còn lại nằm trong danh sách đang được rà soát. Cùng với đó là việc đóng dấu tàu cá cũng đang được triển khai tích cực.
Ông Luân thừa nhận nhiều tỉnh vẫn chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Ông mong muốn các địa phương có sự quan tâm một cách đúng mức để sớm kiểm soát được đội tàu, hoạt động tại cảng cá, quá trình lưu thông hàng hóa nhằm đảm bảo toàn bộ chuỗi khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản đảm bảo nguồn gốc.
Trong khi đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng các địa phương cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phải tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện.
“Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thậm chí là xử lý hành chính để làm sao Luật Thủy sản đi vào cuộc sống, thực thi tốt nhiệm vụ và gỡ “thẻ vàng” trong thời gian ngắn nhất”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo TTXVN
Xem thêm: lmth.ax-noc-nas-yuht-gnav-eht-og-gnoud/877703/nv.semitnogiaseht.www