“Bây giờ làm nông nghiệp phải là nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng”, đó là suy nghĩ của ông Trần Ngọc Phú (47 tuổi, ở thôn Ea Mkeng, xã Ea Bar, H.Sông Hinh, Phú Yên). Suy nghĩ đó đã dẫn ông Phú đến thành công.
Ông Phú quê ở Thừa Thiên- Huế. Năm 1989, ông cùng gia đình chuyển vào xã Ea Bar sinh sống và lập nghiệp. Ban đầu, ông làm công nhân tại Nông trường cà phê Ea Bá (Phú Yên). Đến năm 2017, nông trường cà phê giải thể nên ông phải xoay xở tìm cách để ổn định cuộc sống gia đình.
Ông tâm sự: “Lúc đó thực sự khó khăn, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Những ngày rảnh rỗi cứ tìm thông tin trên internet để học hỏi, tìm hiểu người khác làm ăn. Tôi nhận thấy thực tế hiện nay, người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền thêm cho thực phẩm sạch và chủ động tìm kiếm các sản phẩm có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe. Từ đó, tôi thay đổi suy nghĩ là phải trồng các loại nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ”.
3 “bí quyết”
Xuất phát từ suy nghĩ này, ông Phú lặn lội ra Hà Nội học hỏi về nông nghiệp hữu cơ từ các chuyên gia của Viện Nông nghiệp Việt Nam, rồi đến các nhà vườn xem và tìm hiểu áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ ở Bình Phước, Đắk Lắk… Thấy chưa đủ, ông còn mua thêm nhiều tài liệu để tự nghiên cứu. Những kiến thức, kinh nghiệm đó ông đã áp dụng ngay trên mảnh vườn rộng chừng 4 ha.
“Trên mảnh vườn đó, tôi trồng sầu riêng, chanh dây và sachi. Tôi không sử dụng thuốc diệt cỏ mà để cỏ mọc tự nhiên, chỉ can thiệp bằng máy cắt để tận dụng nguồn hữu cơ, đồng thời giữ ẩm cho đất trong mùa hạn. Các nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp, chăn nuôi như phân chuồng, rác thải vỏ cà phê được gia đình tận dụng làm phân bón. Để phòng bệnh cho cây trồng, tôi sử dụng men vi sinh ủ với các loại cá tạp”, ông Phú chia sẻ kinh nghiệm.
Tự mày mò làm nông nghiệp sạch đã khiến ông Phú đôi lần thất bại, nhưng sau những lần như vậy ông lại rút ra kinh nghiệm. Và bây giờ, ông Phú đã tự chế tạo ra loại phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng hỗn hợp một loại men vi sinh trộn với nước ủ từ các loại cá được đánh bắt ở lòng hồ thủy điện Sông Hinh cùng vỏ chuối, vỏ cây thanh long…
Ông Phú (phải) hướng dẫn cách pha chế phân vi sinh cho ông Mậu trước khi bón cây |
Ông Phú cho biết: “Để có được công thức pha phân vi sinh phù hợp với các loại cây trồng, phải tìm hiểu kỹ đặc điểm sinh trưởng từng loại cây và chất đất. Cây trồng cũng giống như con người, ở giai đoạn ăn bột thì phải cho ăn bột, chứ cứ nhìn thấy nhà này làm nhà kia bắt chước theo cũng sẽ không mang lại hiệu quả”.
Chỉ qua một năm, mô hình sản xuất của ông Phú đã mang lại hiệu quả khả quan. Với 100 gốc chanh dây, ông Phú có lợi nhuận 20 triệu đồng. Với 5.000 m2 sachi trồng xen cao su, ông có thu nhập 150 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, vườn sầu riêng 3 năm tuổi không sâu bệnh, đang phát triển tốt và chuẩn bị cho trái bói.
Từ mô hình áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ban đầu, hiện nay trên địa bàn có khoảng 20 hộ dân từng bước áp dụng mô hình của anh Phú. Địa phương khuyến khích người dân áp dụng mô hình này để có giá trị kinh tế cao hơn và được người tiêu dùng chấp nhậnÔng Nguyễn Văn Khúc, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bar |
Ông Phú chia sẻ: “Có 3 điều khiến mô hình nông nghiệp hữu cơ thành công. Thứ nhất, sản phẩm của gia đình không dùng chất hóa học, người mua chấp nhận giá cao hơn so với các sản phẩm khác. Thứ hai, việc khéo léo xen cây ngắn ngày (sachi, chanh dây) với sầu riêng đã hỗ trợ cho nhau theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Thứ ba, để người tiêu dùng yên tâm với chất lượng sản phẩm hạt sachi, gia đình đã lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy các chỉ số về omega, can xi, protein đều đảm bảo; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Toàn bộ quá trình sản xuất được cập nhật công khai và lưu rõ vào nhật ký. Khi khách hàng hỏi về nguồn gốc thì có thể chứng minh”.
Chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau làm giàu
Sau khi áp dụng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ông Phú liền nghĩ ngay đến việc chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân ở địa phương, trong đó có ông Trần Đình Mậu ở cùng thôn.
“Năm 2019, được sự giúp đỡ của anh Phú, tôi bắt đầu thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ trên diện tích 2 ha cây mắc ca của gia đình. Sau một năm, tôi nhận thấy hiệu quả của mô hình. Theo đánh giá của nhiều khách hàng, sản phẩm mắc ca sạch tốt hơn so với sản phẩm cùng loại được trồng theo cách thông thường. Bây giờ mọi cây trồng của gia đình đều sử dụng các chế phẩm hữu cơ, vi sinh”, ông Mậu nói.
Ông Phú cũng hướng dẫn bà Phạm Thị Thúy (ở buôn Trinh, xã Ea Bar) cách sử dụng vi sinh và hữu cơ để chăm bón vườn ổi. “Nếu như trước đây ổi chỉ ra theo mùa thì nay cây cho trái quanh năm. Quả ổi ngọt, ít hạt lại được chăm sóc theo mô hình hữu cơ nên khách hàng ưa chuộng. Bình quân mỗi ngày, tôi có thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng từ bán ổi”, bà Thúy cho biết.
Ông Nguyễn Văn Khúc, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bar, nói: “Anh Phú là nông dân sản xuất tiêu biểu của địa phương. Từ mô hình áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ban đầu, hiện nay trên địa bàn có khoảng 20 hộ dân từng bước áp dụng mô hình của anh Phú. Địa phương khuyến khích người dân áp dụng mô hình này để có giá trị kinh tế cao hơn và được người tiêu dùng chấp nhận. Hiệu quả từ mô hình thực tế của anh Phú là một kênh tuyên truyền về việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch”.
Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm với người dân trong vùng, thông qua các phương tiện thông tin và mạng xã hội, ông Trần Ngọc Phú còn luôn nhiệt tình chia sẻ cách làm nông nghiệp hữu cơ cho nhiều nông dân khác ở Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Phước, Cần Thơ, Quảng Trị... |
Xem thêm: lmth.4204721-hcas-nas-gnon-taux-nas-ohn-gnoc-hnaht/hnaod-hnik-hnihc-iat/nv.neinhnaht