Trong khi nhiều nhà đầu tư cố gắng dự đoán ai sẽ là người thay thế nhà lãnh đạo Shinzo Abe sau khi ông từ chức thì một số chuyên gia cho rằng điều này chẳng ảnh hưởng mấy đến nền kinh tế.
Giới truyền thông cho rằng nếu đứng trên phương diện của một nhà hoạch định chính sách, việc ai thay thế ông Shinzo Abe làm thủ tướng Nhật Bản chẳng quan trọng bởi họ không có nền tảng kiến thức về tài chính và kinh tế vững chắc như Thống đốc Haruhiko Kuroda của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Thống đốc Haruhiko Kuroda
Điều thú vị là Thống đốc Kuroda được Cựu thủ tướng Abe bổ nhiệm vào năm 2013 và hiện đang chưa rõ liệu ông Kuroda có theo gót từ chức cùng nhà lãnh đạo Abe hay không. Nếu điều này xảy ra, tác động của nó đến thị trường sẽ lớn hơn nhiều so với việc Cựu thủ tướng Abe từ chức.
Khi lên nắm quyền vào tháng 12/2012, Cựu thủ tướng Abe đã từng cam kết nhiều thay đổi cho nền kinh tế Nhật Bản đã chìm vào giảm phát nhiều thập niên qua. Tuy nhiên trên thực tế, những cam kết này chỉ gói gọn cho một thứ: tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế. Dẫu vậy trong vòng 1 năm đầu tại nhiệm, nhà lãnh đạo Abe vẫn chưa đưa ra một kế hoạch cụ thể nào.
Phải đến khi Thống đốc Kuroda được bổ nhiệm vào tháng 3/2013, Nhật Bản mới chính thức có những gói kích thích kinh tế mạnh tay.
Mặc dù nổi tiếng với chính sách "Abenomics" nhưng kế hoạch cải tổ nền kinh tế của nhà lãnh đạo Abe lại dựa chủ yếu vào những gói kích thích của BoJ. Các mục tiêu như hiện đại hóa nguồn nhân lực, giải phóng hành chính công, miễn thuế cho startup, nâng cao vị thế phụ nữ hay cải thiện các tập đoàn quốc doanh đều dựa 90% vào các chính sách của BoJ và chỉ có 10% là cải tổ cấu trúc nhà nước.
Thậm chí, cam kết nới lỏng tài khóa của nhà lãnh đạo Abe cũng không thể thực hiện với các lần nâng thuế tiêu thụ vào các năm 2014 và 2019.
Tồi tệ hơn, chuyên gia Jeff Kingston của trường đại học Temple ở thủ đô Tokyo cho rằng nhà lãnh đạo Abe đã thất bại trong việc thúc đẩy lại nền kinh tế Nhật Bản. Hiện GDP của Nhật còn thấp hơn thời kỳ năm 2013 khi ông Abe mới lên nắm quyền.
Bởi vậy trên thực tế, nền kinh tế Nhật Bản đang được điều hành bởi BoJ và việc thủ tướng từ chức sẽ chẳng ảnh hưởng mấy đến chính sách kinh tế quốc gia này.
Nhà lãnh đạo Shinzo Abe
Nhà lãnh đạo may mắn
Theo giới truyền thông, Cựu thủ tướng Abe khá may mắn khi các chính sách kích thích kinh tế của ông diễn ra trong thời điểm thị trường toàn cầu hồi phục dần. Nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại giúp Nhật Bản xuất khẩu tốt hơn. Cùng với việc BoJ hạ giá đồng Yên Nhật, nhiều tập đoàn của nước này mà đặc biệt là ngành du lịch đã được hưởng lợi lớn.
Thêm vào đó, những gói kích thích kinh tế cũng đẩy chỉ số Nikkei 225 tăng 57% trong năm 2013.
Nhà lãnh đạo Abe đã từng kỳ vọng các chính sách kích thích của BoJ sẽ tạo niềm tin trong xã hội, làm gia tăng tiêu dùng cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp đổ tiền đầu tư, nâng lương cho nhân viên. Thế nhưng một số chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng ngắn hạn của Nhật Bản đến từ việc kinh tế Mỹ hồi phục và Trung Quốc trỗi dậy.
Khi chiến tranh thương mại nổ ra và đặc biệt là dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Nhật Bản bị tổn thương nghiêm trọng và lộ ra những nhược điểm vốn có. Bởi vậy các chính sách của BoJ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và việc ra đi của Thống đốc Kuroda có ảnh hưởng sâu xa hơn nhiều so với lời tuyên bố từ chức của Cựu thủ tướng Abe.
Điều thú vị là thủ tướng Nhật Bản sẽ được đảng cầm quyền bầu chọn nhưng do sự phức tạp của chính trường Nhật Bản mà hiện chưa có ai thực sự nằm quyền điều hành nội các.
Trong khi mọi người vẫn đồn đoán ai sẽ thay thế nhà lãnh đạo Abe thì các chuyên gia lại quan tâm đến Thống đốc Kuroda hơn bởi ông đã 75 tuổi và chưa có một vị thống đốc nào làm quá 2 nhiệm kỳ 5 năm trong lịch sử BoJ.
Kể từ khi được bổ nhiệm, Thống đốc Kuroda đã tung 4,9 nghìn tỷ USD để mua lại trái phiếu, kích thích kinh tế cũng như gia tăng nợ công cho ngân sách. Bởi vậy theo chuyên gia phân tích Nicholas Smith của CLSA Japan, "người đàn ông 5 nghìn tỷ USD" này mới là nhân vật có thể vai trò quan trọng cho nền kinh tế Nhật Bản hơn là nhà lãnh đạo Abe.