vĐồng tin tức tài chính 365

Lào cận kề nguy cơ vỡ nợ công?

2020-09-04 01:43

Lào cận kề nguy cơ vỡ nợ công?

Khánh Lan

(TBKTSG Online) - Lào đang đối mặt rủi ro vỡ nợ công ngày càng cao khi dự trữ ngoại hối của nước này giảm về dưới mức 1 tỉ đô la Mỹ giữa lúc đại dịch Covid-19 và gánh nặng nợ nần của ngành điện đang gây căng thẳng thanh khoản.

Cầu đường sắt thuộc dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc-Lào có vốn đầu tư 6 tỉ đô la, trong đó, 3,5 tỉ đô la vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Ảnh: Financial Times

Tờ Financial Times hôm 3-9 cho biết mức dự trữ ngoại hối của Lào hiện nay thấp hơn số tiền nợ mà nước này phải trả hàng năm. Các quan chức Bộ Tài chính Lào đang đề nghị Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Lào, tư vấn tái cấu trúc.

Hồi tháng trước, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu nội tệ dài hạn của chính phủ của Lào từ mức B3 xuống mức Caa2, tức nằm sâu trong mức ‘rác’ (junk), đồng thời đưa triển vọng tín nhiệm của nước này xuống mức tiêu cực. Moody’s cho biết Lào đang đối mặt với tình trạng ‘căng thẳng thanh khoản nghiêm trọng’ do các nghĩa vụ trả nợ lớn trong năm nay và kéo dài đến năm 2025.

Giới phân tích đặc biệt lo ngại về các khoản vay thương mại mà Lào huy động từ thị trường trái phiếu ở nước láng giềng Thái Lan trong những năm gần đây. “Thật khó để Lào tiếp cận các thị trường trái phiếu quốc tế trong môi trường hiện nay và triển vọng gia hạn các nghĩa vụ trả nợ hiện nay ở thị trường trái phiếu Thái Lan dường như ngày càng khó khăn”, Jeremy Zook, Giám đốc bộ phận nợ công châu Á ở hạng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, nhận định.

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, các hãng xếp hạng tín dụng và các nhà ngoại giao phương Tây đã báo động về mức nợ công của Lào đang phình to do các dự án thủy điện gây tranh cãi về môi trường trên sông Mê Kông (đoạn chảy qua Lào) và một dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc tài trợ vốn.

Hồi tháng 5, Fitch Ratings duy trì tín nhiệm trái phiếu ngoại tệ dài hạn của chính phủ Lào ở mức B- nhưng hạ triển vọng tín nhiệm của Lào về mức tiêu cực.

Lào đang đối mặt với các khoản thanh toán nợ trị giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ mỗi năm cho đến hết năm 2024 nhưng tính đến tháng 6, dự trữ ngoại hối của nước này chỉ ở mức 864 triệu đô la Mỹ.

Toshiro Nishizawa, giáo sư ở Trường sau đại học về chính sách công thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản) và là thành viên của đội ngũ cố vấn chính sách tài khóa của chính phủ Lào, cảnh báo Lào đang đối mặt rủi ro về tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

“Rủi ro vỡ nợ công là mối đe dọa tiềm tàng đối với các hoạt động tài khóa của Lào, có thể dẫn đến các khó khăn cho người dân của nước này. Mức chi trả nợ bên ngoài đủ lớn để gia tăng áp lực cho nguồn dự trữ ngoại hối đang khiến hiếm của Lào giữa tình hình đại dịch bệnh Covid-19” - ông Nishizawa nhấn mạnh.

Hai nguồn tin giấu tên tiết lộ với Financial Times rằng các quan chức của Bộ Tài chính Lào đã trao đổi với các đồng nghiệp Trung Quốc về khả năng giãn nợ.

Nhóm các nền kinh tế lớn G20, mà Trung Quốc là một thành viên, đã thiết lập sáng kiến giãn nợ cho các nước nghèo với sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhưng Lào chưa đăng ký tham gia sáng kiến này.

Ngoài mức nợ công của chính phủ Lào khoảng 12,6 tỉ đô la Mỹ, theo ước tính của Fitch Ratings, thì Tổng Công ty điện lực Lào (EDL) cũng đang gánh khoản nợ khoảng 8 tỉ đô la.

Năm 2018, EDL ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc để phát triển mạng lưới truyền tải điện của Lào, đang cần phải tăng cao năng lực để tiếp nhận nguồn điện khổng lồ từ các đập thủy điện trên sông Mê Kông ở Lào.

Cũng giống như những gì đã xảy ra với các nước đang phát triển ở châu Á có các dự án hạ tầng được triển khai nhờ vốn vay từ Trung Quốc, các nhà ngoài giao và các nhà tài trợ vốn phương Tây lo ngại nguy cơ Lào sẽ chịu sự chi phối lớn hơn của Trung Quốc nếu nước này không thể trả nợ đúng hạn các khoản vay ở các dự án chung giữa hai nước hoặc có thể bị Bắc Kinh yêu cầu chuyển nợ thành cổ phần.

Năm 2017, Sri Lanka buộc phải bàn giao cảng biển quan trọng Hambantota cho một công ty Trung Quốc thuê trong 99 năm để cấn trừ khoản nợ không trả nổi. Vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở châu Á về những chiếc ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc.

Theo Financial Times

Xem thêm: lmth.gnoc-on-ov-oc-yugn-ek-nac-oal/808703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lào cận kề nguy cơ vỡ nợ công?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools