Vượt khó Covid-19, các đại gia lần lượt bán ‘của để dành’
Dũng Nguyễn
(TBTKSG Online) - Khoản thu nhập từ hoạt động tài chính đã “cứu” nhiều doanh nghiệp giảm đà suy giảm lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm vì tác động của Covid-19. Phần lớn trong số đó là việc chuyển nhượng một phần hoặc thoái vốn toàn bộ khỏi công ty con, hoặc thông qua các nghiệp vụ tài chính đặc biệt.
Ngành hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19 và Vietjet Air phải "xoay" đủ cách để tăng cường nguồn lực. Ảnh minh họa: TTXVN |
Khi nguồn doanh thu từ hoạt động cốt lõi bị đình trệ vì Covid-19, những khoản doanh thu tài chính trở nên đặc biệt quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp và thực tế đã tăng vọt trong thời gian qua.
Một ví dụ điển hình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch là trường hợp của các hãng hàng không. Mới đây, Vietjet Air công bố báo cáo soát xét hợp nhất quí 2 với doanh thu hợp nhất đạt 10.970 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỉ đồng, giảm lần lượt 55% và 98% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu từ hoạt động tài chính trong 6 tháng đầu năm đạt mức 1.027 tỉ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ. Đáng chú ý là khoản “thu nhập khác” giúp Vietjet ghi nhận khoản lãi đến 1.778 tỉ đồng trong khi cùng kỳ là gần 20 tỉ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đây là khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng quyền kinh doanh và khai thác tòa nhà Vietjet Plaza (793 tỉ đồng), thu nhập từ bồi thường thiệt hại do nhà cung cấp tàu bay chậm trễ bàn giao (gần 560 tỉ đồng) và thanh lý tài sản cố định (408 tỉ đồng).
Cùng với khoản doanh thu đến từ hoạt động nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay, khoản thu nhập khác đã giúp Vietjet "thoát lỗ" trong 6 tháng đầu năm. Theo báo cáo giải trình, Vietjet cho biết việc chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư nhằm tăng cường nguồn lực và tập trung nguồn vốn hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
Nguồn: Fiingroup |
Bên cạnh Vietjet, còn khá nhiều trường hợp ghi nhận các khoản lãi từ các hoạt động tài chính. Chẳng hạn như trường hợp của Novaland, lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong 6 tháng đầu năm tăng 48,1% trong khi doanh thu giảm hơn 79% so với cùng kỳ, chủ yếu do khoản lãi bán từ công ty con.
Cụ thể vào cuối tháng 3, Novaland bán toàn bộ vốn góp tại Công ty đầu tư bất động sản Phong Điền với giá chuyển nhượng 987 tỉ đồng (ghi nhận lãi hơn 795 tỉ đồng) và gần cuối tháng 6 bán một phần vốn góp Cảng Phú Định với tổng giá trị 2.395 tỉ đồng (ghi nhận lãi 1.705 tỉ đồng).
Thu nhập từ hoạt động tài chính của 1.032 doanh nghiệp niêm yết phi ngân hàng, chiếm 97% tổng vốn hóa, đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chiếm gần 20% tổng lợi nhuận sau thuế. |
Tình hình cũng diễn ra tương tự ở những cổ phiếu thuộc “top” vốn hóa của thị trường, như Vingroup trong 6 tháng đầu năm doanh thu hoạt động tài chính tăng 11.352 tỉ đồng, tương ứng tăng 262,4% so với cùng kỳ, chủ yếu từ các khoản chuyển nhượng đầu tư tài chính.
Không chỉ ở các trường hợp doanh nghiệp có quy mô nghìn tỉ, nhiều công ty nhỏ hơn cũng lần lượt thoái vốn khỏi những dự án mình đang tham gia. Chẳng hạn như Yeah1 bán 25% cổ phần công ty sở hữu ứng dụng quay số trúng thưởng Mega1, ứng dụng được phát triển sau khi Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát trở thành cổ đông lớn của Yeah1.
Tuy nhiên, Yeah1 mới chỉ thu được 12 tỉ đồng tiền mặt, phần tiền 58 tỉ đồng còn lại vẫn nằm ở dưới dạng “khoản phải thu”. Dù vậy, việc ghi nhận khoản lời từ thoái vốn một phần khỏi Mega1 đã giúp Yeah1 từ lỗ thành lãi trên báo cáo tài chính trong 6 tháng đầu năm.
Vì vậy, có thể thấy một trong những “tác dụng” của các đợt chuyển nhượng tài sản trong đợt dịch Covid-19 là giúp sổ sách kế toán của doanh nghiệp trở nên “đẹp” hơn, bên cạnh những thương vụ chuyển nhượng có dòng tiền thực đi vào, doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để kinh doanh trong thời kỳ đại dịch.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp hi hữu khi doanh nghiệp thoái vốn sau thời điểm báo cáo, nên chưa được ghi nhận thoát lỗ trong kỳ.
Đó là câu chuyện của Tập đoàn Đất Xanh, từ báo cáo lãi 38 tỉ đồng chuyển thành lỗ hơn 488 tỉ đồng sau soát xét. Nguyên nhân vì công ty kiểm toán E&Y xác định khoản chuyển nhượng cổ phần tại LDG được thực hiện vào tháng 7 và yêu cầu Đất Xanh phải trích lập dự phòng 526 tỉ đồng.
Nguồn: Fiingroup |
Thống kê chung của Fiingroup dựa trên số liệu của 1.032 trên 1.723 doanh nghiệp niêm yết phi ngân hàng (chiếm 97% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn chứng khoán), cho thấy thu nhập từ hoạt động tài chính đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, chiếm gần 20% tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này.
Cũng nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trong quí 2 phục hồi mạnh bất chấp dịch ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế trong quí 2 tăng 41,4% so với quí 1 và giảm 30,6% so với cùng kỳ.
Trong kịch bản loại trừ khoản thu nhập từ hoạt động tài chính thì lợi nhuận lợi nhuận sau thuế trong quí 2 của nhóm doanh nghiệp trên sẽ giảm gần 55% (gần tương đương với mức giảm 58,5% trong quí 1). Các khoản này bao gồm khoản thu nhập từ hoạt động tài chính (lớn hơn 100 tỉ đồng), các khoản hoàn nhập dự phòng của doanh nghiệp dầu khí (quy mô lớn như PLX của Petrolimex và BSR của Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn) hay thu nhập từ nghiệp vụ bán và thuê lại máy bay của Vietjet Air.
“Điều này cho thấy sự cải thiện về tốc độ suy giảm lợi nhuận sau thuế của nhóm phi ngân hàng trong quí 2 không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi hay thu nhập thường xuyên của doanh nghiệp”, báo cáo nhận định.
Thị trường cũng ghi nhận quí thứ 2 liên tiếp lợi nhuận sau thuế sụt giảm kể từ năm 2016. Áp lực của Covid-19 lên thị trường ngày càng mạnh mẽ hơn và đến quí 3 này còn khó khăn hơn vì làn sóng Covid-19 lần thứ hai quay trở lại với nhiều ổ dịch trên cả nước.
Xem thêm: lmth.hnad-ed-auc-nab-toul-nal-aig-iad-cac-91-divoc-ohk-touv/108703/nv.semitnogiaseht.www