Học làm giả giấy tờ trên mạng, lập web để rao bán
Sau một thời gian điều tra, các trinh sát hình sự Công an quận 12 đã phát hiện ra manh mối về người cầm đầu, phía sau các tài khoản mạng xã hội zalo và trang web. Công an xác định, kẻ tình nghi là nam thanh niên khoảng 25 tuổi. Người này thường xuyên tương tác với khách hàng, tuy nhiên không bao giờ lộ diện để tránh cơ quan chức năng phát hiện, theo dõi.
Mặc dù rất cẩn thận và kín tiếng trong việc mua bán giấy tờ giả, nhưng nam thanh niên này cuối cùng cũng bị cảnh sát “lôi” ra ánh sáng. Các trinh sát công an đã bắt giữ nghi phạm Nguyễn Đôn Đạt, kẻ cầm đầu đường dây làm giả giấy tờ trên.
Cơ quan công an phát hiện thu giữ nhiều phôi, con dấu phục vụ làm giấy tờ giả
Qua đấu tranh khai thác, Đại khai nhận, đã thực hiện làm giấy tờ giả để mua bán từ cuối năm 2019, thấy nhiều người làm giấy tờ giả rất dễ dàng, thu về nhiều lợi nhuận nên Đạt quyết định "hành nghề", dù biết là phạm pháp.Đạt lên mạng xem nhiều video, đọc thông tin về việc in, làm giả các mẫu giấy tờ. Sau đó, Đạt mua máy tính, máy in rồi tải một số mẫu phôi trên mạng về in chữ. Để làm cho giống, Đạt liên hệ với 1 người (chưa rõ lai lịch) mua những con dấu, hoặc phôi cứng với giá 12.500 đồng và bắt đầu công việc làm giả.
Để phục vụ cho việc mua bán, Đạt lập tài khoản zalo tên “Lâm Phát” và 1 trang web bangchinhquy.com, đăng hàng loạt các thông tin mua bán, hình ảnh nhiều giấy tờ giả. Khi khách hàng có nhu cầu, Đạt không gặp trực tiếp mà yêu cầu những người này để lại thông tin, tên tuổi, hình ảnh gửi qua tài khoản điện tử rồi chuyển tiền trước, it ngày sau sẽ được nhận giấy tờ.
Sau một thời gian thực hiện trót lọt nhiều phi vụ, Đạt bắt đầu toan tính mở rộng địa bàn và đường dây của mình. Để làm được việc trên, nam thanh niên này bàn với Nguyễn Văn Duy về việc sẽ thuê Duy làm giấy tờ giả và Duy sẽ được hưởng lợi. Sau khi nhận được đề nghị, Duy quyết định làm cho Đạt từ tháng 5/2020. Tiếp sau đó, vào tháng 7/2020, Đạt tiếp tục thuê Phạm Đức Duy làm việc cho mình, Đức Duy có nhiệm vụ đi giao bằng cấp giả cho khách.
Nhóm nghi phạm bị bắt giữ
Đạt khai, mỗi chứng chỉ, bằng cấp giả 1 - 3,5 triệu đồng/cái. Nếu khách mua số lượng lớn, Đạt chỉ lấy giá 600 ngàn đồng. Khi có khách hàng đặt làm chứng chỉ, bằng cấp giả, Đạt trực tiếp liên hệ yêu cầu khách cung cấp thông tin cá nhân và làm giả với sự giúp sức của Nguyễn Văn Duy. Mỗi chứng chỉ, bằng cấp giả do có phôi sẵn nên chỉ từ 1-2 ngày là xong.
Mới đây, theo chỉ đạo của Đạt, Phạm Đức Duy hẹn khách giao hàng tại một địa điểm ở Quốc lộ 1, phường An Phú Đông, quận 12 thì bị Công an quận 12 phục kích, bắt giữ. Làm việc với cơ quan chức năng, các đối tượng khai nhận đã thu lợi hơn 300 triệu đồng sau 1 năm hoạt động.
Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.