Tính trong tương quan với quy mô nền kinh tế, nợ tại Mỹ đã leo lên mức cao nhất tính từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai (WWII) và dự kiến đến năm sau, nợ Mỹ sẽ cao hơn tổng quy mô nền kinh tế.
Theo lý giải của giới chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp của điều này chính là việc chính phủ phải chi tiêu nhiều để ứng phó với đại dịch Covid-19.
Theo Wall Street Journal, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ vào ngày thứ Tư công bố nợ liên bang dự kiến sẽ tương đương hoặc vượt 100% GDP của Mỹ (trong năm tài khóa bắt đầu vào ngày 1/10/2020).
Như vậy, nước Mỹ sẽ chính thức vào nhóm các nước có tỷ lệ nợ vượt quy mô kinh tế bao gồm Nhật, Italy và Hy Lạp.
Trong năm nay, tỷ lệ nợ/GDP của Mỹ ước tính ở mức 98% , cao nhất tính từ Chiến tranh Thế giới thứ II.
Tính đến cuối tháng 6/2020, tổng nợ Mỹ đã vượt ngưỡng 20,5 nghìn tỷ USD từ mức 17,7 nghìn tỷ USD, mức tăng ghi nhận 16,6% trong vòng chỉ 3 tháng, theo số liệu của Bộ Tài chính.
Trong cùng thời gian quý 2/2020, kinh tế suy giảm 9,5%, tỷ lệ nợ tính trên tổng GDP ước tính 105,5% từ mức 82% trong quý 1/2020.
Tuy nhiên, việc Mỹ vay nợ cho đến giờ chưa hề khiến cho những nhà đầu tư vào nợ Mỹ tức giận hoặc khiến cho việc Mỹ tiếp tục vay nợ bị ảnh hưởng. Nhà đầu tư vẫn đua nhau mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ nhờ vào sự an toàn của tài sản này. Hơn thế nữa, lãi suất dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp, như vậy chính phủ vẫn còn có thể tiếp tục vay nợ thêm.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm giảm xuống ngưỡng 0,643% từ mức ngưỡng 0,672% trước đó, sự giảm đi của lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ diễn ra cùng lúc với sự lên điểm của thị trường tài chính. Lợi suất trái phiếu thường giảm khi giá trái phiếu tăng.
Nợ/GDP của Mỹ đã vượt ngưỡng 100% GDP, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 6/2020. Chi tiêu chính phủ tăng mạnh bởi chính phủ phải ứng phó với đại dịch Covid-19, cùng lúc đó, doanh thu từ thuế giảm mạnh. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên trong hơn 70 năm nợ chính phủ lên ngưỡng cao như vậy.
Lần gần nhất nợ của Mỹ vượt tổng sản lượng kinh tế là vào năm 1946, khi đó nợ vượt mức 106% GDP sau khi chính phủ phải chi tiêu nhiều tiền để chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ II.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế đã so sánh cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 với những nỗ lực trong chiến tranh của chính phủ. Từ tháng 3/2020 cho đến nay, chính phủ đã chi tiêu ra 2,7 nghìn tỷ USD để thử nghiệm và phát triển vắc xin, hỗ trợ cho các bệnh viện, trợ cấp cho doanh nghiệp, hộ gia đình và chính quyền các địa phương.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu của chính quyền liên bang giảm 10% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2020. Nỗi sợ về đại dịch Covid-19 và tình trạng đóng cửa doanh nghiệp diễn ra khắp nơi khiến cho hoạt động kinh tế chững lại, các doanh nghiệp sa thải hàng triệu người lao động.
Cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại CBO, ông Wendy Edelberg, nói: "Tình trạng vay nợ tăng lên chóng mặt, tuy nhiên khá hiệu quả. Trong vai trò một đất nước, tôi cũng muốn tăng vay nợ trong khoảng thời gian khó khăn".
Xem thêm: nhc.94204804130900202-man-57-gnort-tahn-oac-nel-gnat-ym-auc-on-neihk-91-divoc-hcid-iad/nv.fefac