Ngành quan trọng số 1 ở Việt Nam
Lê Hoài Ân (*)
(TBKTSG) - Chúng ta, dù ở bất kỳ vai trò nào, luôn tìm lời giải cho câu hỏi về ngành nghề sẽ phát triển trong tương lai. Nhà đầu tư luôn nghĩ về điều đó để lựa chọn kênh đầu tư tốt trong dài hạn. Người lao động thì chọn ngành nghề lao động nhiều phúc lợi. Hay thậm chí học sinh trong mùa tuyển sinh cũng sẽ nghĩ về điều đó trong việc chọn trường… Vậy ở Việt Nam thì ngành nghề nào là ngành nghề số 1?
91% tổng tài sản của xã hội Việt Nam đang nằm trong hệ thống ngân hàng. Ảnh: T.L |
Nhân 20 năm ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam, trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày các con số thống kê kinh tế về diễn biến của nền kinh tế và thị trường tài chính trong 20 năm qua để minh họa về một ngành nghề số 1, không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà còn cả trong tương lai.
Định nghĩa về một ngành nghề hấp dẫn
Đầu tiên, chúng ta cần định nghĩa thế nào là một ngành hấp dẫn trong dài hạn. Có rất nhiều lý thuyết kinh tế và lý luận về vấn đề này nhưng hiểu đơn giản thì đó là ngành có mức tăng trưởng cao, mức sinh lời hấp dẫn đồng thời có mức rủi ro thấp.
Lịch sử 20 năm qua đã minh chứng cho vai trò thống trị của hệ thống ngân hàng đối với sự phát triển của nền kinh tế cũng như tác động đến sự phát triển của thị trường tài chính. Có thể nói lịch sử phát triển 20 năm của thị trường tài chính đều gắn liền với những thăng trầm và phát triển của hệ thống ngân hàng.
Đầu tiên chúng ta sẽ theo dõi biểu đồ 1 về mức tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng và thu nhập bình quân của người lao động trong lĩnh vực ngân hàng. Không một ngành nghề nào đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định như ngành ngân hàng trong thời gian qua, điều đó được thể hiện phần nào qua mức thu nhập trung bình của lao động trong lĩnh vực ngân hàng so với mặt bằng chung của nền kinh tế.
Lịch sử của ngành ngân hàng là lịch sử phát triển của thị trường tài chính
Tại các quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, tăng trưởng tín dụng từ hệ thống ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế. Hãy nghĩ về vấn đề của các nền kinh tế đang phát triển như tại các quốc gia Đông Nam Á.
Khu vực này có dân số rất trẻ nên hàng năm đều sẽ có một lượng lớn lao động mới gia nhập thị trường. Điều đó dẫn đến áp lực tăng trưởng kinh tế để có thể tạo thêm việc làm. Việc tạo ra việc làm mới đóng góp một vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định xã hội, tránh khỏi những bất ổn.
Nợ vay chính là cách các quốc gia nghĩ rằng là công cụ đơn giản nhất để duy trì mức tăng trưởng kinh tế. Biểu đồ 3 thể hiện rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và mức tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia châu Á.
Ngân hàng nắm phần lớn tổng tài sản của xã hội
Tài sản của cả quốc gia sẽ được phân bổ trong hệ thống tài chính, bao gồm hệ thống ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và quỹ đầu tư để có thể đầu tư vào những chủ thể đang cần vốn như doanh nghiệp và Chính phủ.
Tuy nhiên, nhìn vào biểu đồ 2 thì chúng ta có thể thấy rằng 91% tổng tài sản của xã hội Việt Nam đang nằm trong hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng chi phối các hoạt động trên thị trường vốn
Hoạt động trên thị trường vốn bao gồm việc niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng như việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ trên thị trường. Nhìn lại, chúng ta sẽ thấy tầm ảnh hưởng của hệ thống ngân hàng trên tất cả các lĩnh vực trên.
Ngân hàng là ngành có vốn hóa lớn nhất trên thị trường cổ phiếu. Tỷ trọng vốn hóa các ngành nghề trên sàn chứng khoán Việt Nam thể hiện sự thiên lệch rất rõ cho ba nhóm ngành nghề là tài chính, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu. Trong đó, nhóm ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 29% (biểu đồ 4), mặc dù ngành này chỉ với 13 cổ phiếu niêm yết trên sàn so với tổng số hơn 700 công ty đang niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX.
Ngoài ra, với quy mô vốn hóa lớn và nhóm ngành có tính tương quan cao thì biến động của cổ phiếu ngân hàng luôn ảnh hưởng rất lớn vào sự biến động của chỉ số chứng khoán chung của thị trường.
Ngân hàng là đơn vị mua phần lớn trái phiếu chính phủ (biểu đồ 5). Trên thị trường trái phiếu, các ngân hàng giữ vai trò chủ đạo trong việc tài trợ cho các khoản phát hành trái phiếu của Chính phủ. Mặc dù tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng đã giảm trong những năm gần đây với sự tăng trưởng của nhóm ngành bảo hiểm, nhưng ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì tầm ảnh hưởng rất lớn trong hoạt động tài trợ các khoản nợ ngắn và dài hạn cho Chính phủ thông qua kênh phát hành trái phiếu.
Chính phủ luôn hạn chế những tổn thương, dù là nhỏ nhất có thể, cho hệ thống ngân hàng. |
Có một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa hệ thống ngân hàng với hoạt động định hướng phát triển kinh tế quốc gia của Chính phủ. Đó là mối quan hệ dựa trên sự hỗ trợ tương hỗ lẫn nhau, nhằm tạo điều kiện để hệ thống ngân hàng có thể hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ trong việc điều hành chính sách kinh tế, chứ không chỉ dừng lại trong phạm vi của chính sách tiền tệ.
Từ năm 2015 đã có ba ngân hàng thương mại được mua lại với giá 0 đồng. Tại sao Chính phủ không để các ngân hàng yếu kém phá sản như các nước mà chọn cách là giải cứu các ngân hàng đó thông qua việc cứu trợ. Bên cạnh những lo sợ rằng việc đổ vỡ của một, hai ngân hàng có thể dẫn đến sự mất niềm tin của công chúng, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng thì còn có một lý do khác lớn hơn.
Như chúng ta đã phân tích từ đầu đến giờ, khác với hệ thống tài chính các quốc gia phương Tây, hệ thống ngân hàng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống kinh tế và quá trình phát triển của các quốc gia châu Á. Do đó, Chính phủ luôn hạn chế những tổn thương, dù là nhỏ nhất có thể, cho hệ thống ngân hàng.
Trong các vấn đề nợ xấu dai dẳng của nền kinh tế trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đều chọn cách trì hoãn thay vì thực sự đối mặt với cục máu đông nợ xấu. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng làm một giải pháp tình thế giúp kéo dài thời gian cho nền kinh tế phục hồi, cũng như thị trường bất động sản có thể phá băng.
Những kinh nghiệm giải quyết nợ xấu ở Trung Quốc những năm 2000 đang được các nhà điều hành chính sách ở Việt Nam thực hiện một cách thành công ở Việt Nam trong việc giải quyết nợ xấu trong giai đoạn vừa qua.
Một khía cạnh nữa mà ngân hàng đang ảnh hưởng đến thị trường vốn ở Việt Nam đó là họ cũng là những chủ thể phát hành trái phiếu ra ngoài thị trường.
Ngành ngân hàng chiếm 46% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2019 (biểu đồ 6). Trái phiếu là một trong những loại giấy tờ có giá giúp các ngân hàng có thể gọi vốn trong thời gian ngắn, với mức lãi suất được xác định trước.
Ngân hàng cũng là đơn vị chủ yếu mua trái phiếu doanh nghiệp.
Một điều rất đáng lưu ý nữa, các ngân hàng còn đang là đối tượng mua chính đối với trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành dưới hình thức đầu tư. Việc mua trái phiếu của ngân hàng chính là lượng cầu lớn giúp cho các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu của mình.
Chính vì những yếu tố trên, sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng đóng một vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của quốc gia.
(*) CFA, Đại học Ngân hàng TPHCM
Xem thêm: lmth.man-teiv-o-1-os-gnort-nauq-hnagn/817703/nv.semitnogiaseht.www