vĐồng tin tức tài chính 365

Đà Nẵng tập trung vào các trọng tâm phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

2020-09-04 11:07

Đà Nẵng tập trung vào các trọng tâm phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) - Trước dự báo tình hình kinh tế của Đà Nẵng đang trở nên xấu hơn, tiêu dùng xã hội dự báo sẽ giảm sâu ở quý 3 năm nay, TP Đà Nẵng sẽ tập trung vào các trọng tâm phục hồi kinh tế bao gồm khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; khuyến khích tiêu dùng nội địa; tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn.

Sông Hàn, thành phố Đà Nẵng. Thành phố đang tìm mọi cách để vừa sống chung an toàn với Covid-19 vừa khôi phục kinh tế bị tăng trưởng âm. Ảnh: Nhân Tâm

Vực dậy nền kinh tế tăng trưởng âm

Ngày 3-9, Thành ủy Đà Nẵng đã ra Chỉ thị Số 43-CT/TU về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong tình hình hiện nay. Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng phải chủ động rà soát, xây dựng kịch bản, kế hoạch khắc phục khó khăn trong phát triển kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các trọng tâm bao gồm khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; khuyến khích tiêu dùng nội địa; tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn; và tích cực thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công các công trình, dự án trọng điểm, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra.

Trước đó, ngày 31-8, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng công bố việc rà soát, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 và dự kiến 6 tháng cuối năm 2020.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 3,61% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là lần đầu tiên kinh tế thành phố Đà Nẵng tăng trưởng âm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1-1997).

Quy mô toàn nền kinh tế 6 tháng ước đạt 51.072 tỉ đồng, thu hẹp hơn 918 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, quy mô khu vực dịch vụ bị thu hẹp nhiều nhất với 758 tỉ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng 261 tỷ đồng; thuế sản phẩm 12 tỉ đồng; riêng khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản tăng thêm 114 tỉ đồng so với cùng kỳ.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định và ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tăng trưởng của cả khu vực ước đạt 2,28%, cao hơn mức tăng 1,1% của cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2020 đạt mức âm 1,8%  so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tính đến ngày 15-7-2020, tổng vốn đầu tư công giải ngân trên địa bàn là 3.606 tỉ đồng, đạt 29,2% kế hoạch. Theo tính toán, thành phố phải giải ngân hơn 8.767 tỉ đồng nữa để hoàn thành kế hoạch.

Việc giải ngân hàng ngàn tỉ đồng vốn đầu tư công này cũng là phương án tốt, góp phần vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Hỗ trợ hàng ngàn lao động mất việc

Cũng theo Chỉ thị này, các cơ quan liên quan kịp thời cân đối thu, chi ngân sách sát với tình hình thu trên địa bàn; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực chi đầu tư phát triển, phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội.

Các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, đảm bảo đúng đối tượng, quy định, phù hợp với nguồn lực, công khai, minh bạch và kịp thời phải được thực hiện bên cạnh các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp sau dịch bệnh.

Đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hơn 179.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo khảo sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng. Ảnh và đồ họa: Nhân Tâm

Được biết, theo kết quả khảo sát nhanh gần 7.200 doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, có đến 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội chiếm đến 58,4%; 37,4% doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn; 40,6% doanh nghiệp khó khăn về các khoản chi trả cho người lao động; 31,9% doanh nghiệp khó khăn về chi phí thuê mặt bằng; 30,9% doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và 44,3% doanh nghiệp giảm thị trường tiêu thụ sản phẩm...

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có đến 94,1% doanh nghiệp có quy mô lớn bị ảnh hưởng, do các doanh nghiệp có quy mô lớn thường giao dịch với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Tình trạng lao động, việc làm 6 tháng đầu năm chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm  tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm. Tỷ lệ thất nghiệp chung toàn thành phố 6 tháng đầu năm 2020 ước tính là 7,24%, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 7,55%. Cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi là 2,89%.

Sáu tháng đầu năm 2020 có 15.904 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc, tăng gần 89% so với cùng kỳ; đã có 12.715 lao động được giải quyết trợ cấp thôi việc, mất việc với số tiền 12.925 triệu đồng, tăng 88%.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có hơn 179.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, có hơn 12.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 106.800 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc.

Được biết, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị UBND các quận, huyện chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương (với 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, và 70% nguồn cải cách tiền lương) để triển khai thực hiện chi trả cho những đối tượng lao động mất việc.

Theo Chỉ thị này, Thành ủy Đà Nẵng cũng yêu cầu UBND thành phố  triển khai xét nghiệm diện rộng trong tuần đầu tháng 9-2020 để có cơ sở đánh giá nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Qua đó, kịp thời phát hiện và có biện pháp ứng phó, kiểm soát; đồng thời tạo cơ sở chuyển trạng thái, quản lý kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

 

Xem thêm: lmth.91-divoc-hcid-uas-et-hnik-ioh-cuhp-mat-gnort-cac-oav-gnurt-pat-gnan-ad/618703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đà Nẵng tập trung vào các trọng tâm phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools