Tòa án huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa xử vụ tranh chấp đàn bò giữa hai hộ nông dân dựa vào kết quả xét nghiệm ADN... của bò.
Khước từ phương án… truyền thống
Cuối tháng 8 vừa qua, TAND huyện Thạch Hà xét xử vụ án dân sự tranh chấp 4 con bò giữa nguyên đơn là gia đình ông H (trú xã Lưu Sơn Vĩnh) và bị đơn là ông C (trú tại xã Thạch Xuân).
Theo trình bày của ông H, gia đình ông chăn thả 9 con bò tại khu vực Đá Dóc gần nhà. Hàng ngày, sáng lùa bò đi ăn, tối đón bò về chuồng. Thế nhưng, ngày 7.5, đàn bò 9 con của gia đình ông H chỉ về chuồng 6 con, bị thiếu 3 con. (trong đó có 1 con bò đã mang bầu được 8 tháng).
Sau gần 1 tuần tìm kiếm, ngày 12.5, gia đình ông H thấy tại một cánh đồng ở xã Thạch Xuân có 3 con bò của gia đình mình đang ăn cỏ cùng đàn bò của ông C. Trao đổi về việc 3 con bò của mình đi lạc vào đàn bò của ông C nên sẽ lấy lại bò thì ông C không đồng ý mà khẳng định đó là bò của gia đình ông.
Sự việc, ông H đã báo chính quyền địa phương để giải quyết tranh chấp.
Tại một số buổi hòa giải, ông H. đề nghị đưa các con bò đang tranh chấp ra giữa hai đàn bò của hai gia đình, nếu số bò tranh chấp đi theo đàn bò của gia đình nào thì gia đình ấy được quyền nhận bò. Hoặc đưa đàn bò tranh chấp đến gần nhà ông H nếu bò chủ động về nhà ông này thì đó là chủ nhân của các vật nuôi.
Tuy nhiên, phía bị đơn là ông C. không đồng ý nên ông H. phải khởi kiện ra tòa. Trong thời gian chờ giải quyết tranh chấp, một con bò cái đã sinh ra 1 con bê, nâng số lượng bò tranh chấp lên 4 con với tổng giá trị gần 40 triệu đồng.
Căn cứ ADN... của bò
Trong quá trình tranh chấp, cơ quan công quyền đã hỏi đặc điểm nhận dạng của số bò tranh chấp. Trong đó hỏi đến chi tiết một con bò cái có vết rách ở tai. Với dấu vết này, ông H. cho biết, bản thân ông dùng ghim sách vở gắn với một ống kim loại để bấm lỗ, sau đó cắt một đường từ lỗ bấm đến viền tai, mục đích là để đánh dấu bò.
Còn ông C. khai rằng, do quá trình con bò bị lằng ăn tai, vết thương mưng mủ gia đình dùng lưỡi lam làm sạch vết thương thì bò quật mạnh nên bị lưỡi lam rạch làm tai đứt một đường.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu, HĐXX nhận định lời khai của ông H. có tính thống nhất cao hơn và trùng khớp với các đặc điểm thực tế của bò được phản ánh tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ.
Còn lời khai của ông C. có sự không thống nhất giữa lời khai ban đầu tại công an xã và lời khai tại Tòa án, một số chi tiết, đặc điểm của bò ông C. phản ánh không đúng thực tế.
TAND huyện Thạch Hà nhận thấy có nhiều cơ sở để xác định chủ nhân của số bò trên, tuy nhiên để thận trọng hơn, việc trưng cầu giám định huyết thống (ADN) để xác định quyền sở hữu đàn bò đã được thực hiện.
Kết quả, mẫu của một con bò tranh chấp với mẫu của mẹ con bò đó mà ông H đang nuôi có quan hệ huyết thống mẹ con với nhau. Từ các cơ sở trên, HĐXX buộc ông C. phải trả lại 4 con bò đang tranh chấp cho gia đình ông H.
Trước đó, vào năm 2019, TAND huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) cũng xét xử vụ án dân sự tranh chấp 1 con bò cái giữa 2 hộ dân ở xã Phương Mỹ. Phán quyết của Tòa sau đó cũng đã dựa vào kết quả xét nghiệm AND giữa con bò tranh chấp với mẹ của con bò đó.
Xem thêm: odl.543338-ob-nad--pahc-hnart-ux-nahp-ed-nda-meihgn-tex-hnit-ah/taul-pahp/nv.gnodoal