Liên quan đến sự việc hàng trăm hũ tro cốt lẫn lộn, xáo trộn di ảnh tại chùa Kỳ Quang 2 (phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM), nhiều bạn đọc đặt câu hỏi về hiệu quả của việc lấy mẫu đem đi xét nghiệm ADN.
Trao đổi với PLO về vấn đề nêu trên TS. Đặng Trần Hoàng, Viện trưởng Viện Công nghệ ADN và phân tích di truyền (GENLAB), cho biết: Mẫu hài cốt đã được hỏa thiêu thì việc tách chiết ADN để giám định sẽ tương đối khó. Nếu mẫu đã thành tro, than đen thì việc xác định ADN tỉ lệ thành công vô cùng thấp.
Ngày 3-9,Tại chùa Kỳ Quang 2 , nhiều người làm đơn gửi cơ quan chức năng về tình trạng các hũ tro cốt, di ảnh bị xáo trộn, khó tìm ra tro cốt của người thân. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Trường hợp nếu mẫu nào còn sót xương chưa cháy hết hoặc còn trong lõi xương rắn hay trắng thì khả năng phân tích ADN thành công sẽ cao hơn.
Thông tin thêm, TS. Đặng Trần Hoàng cho biết đối với xét nghiệm ADN mẫu xương hài cốt, công nghệ hiện nay cho phép phân tích ADN ty thể (di truyền theo dòng mẹ) được ứng dụng trong giám định ADN hài cốt liệt sỹ và tìm họ hàng. Tuy nhiên điều kiện của mẫu đem đi xét nghiệm là các răng lấy mẫu xét nghiệm phải còn gốc chân răng hoặc còn các đoạn xương ống (lấy khoảng 2-3 cm).
Xem thêm: lmth.163639-nda-hnid-cax-ohk-2-gnauq-yk-auhc-oav-toc-ort-iug-uv/cod-nab/nv.olp