Liên quan đến thông tin việc sửa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) sử dụng công nghệ Trung Quốc, ngày 4-9, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định thông tin trên hoàn toàn không chính xác.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do tính chất phức tạp của việc sửa cầu, Bộ GTVT đã thành lập ban chỉ đạo dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng lập tổ cố vấn gồm chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực này, để phân tích nguyên nhân và tìm cách khắc phục.
Trạm trộn để sản xuất lớp bê tông siêu tính năng (UHPC). Ảnh: V.LONG
Trên cơ sở đó, Trường đại học Giao thông vận tải đề xuất giải pháp sửa chữa cầu Thăng Long sử dụng công nghệ lõi của châu Âu. Công nghệ này được công bố ở nhiều nước Châu Âu và áp dụng đầu tiên tại Hà Lan gần 20 năm trước.
Với tình trạng sàn cầu thép trực hướng ở cầu Thăng Long, việc áp dụng công nghệ này qua quá trình nghiên cứu được đánh giá khả thi và hiệu quả.
“Toàn bộ quá trình nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa và tiến hành thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu xây dựng trong nước. Vật liệu cũng được sử dụng trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào…” - đại diện Tổng cục Đường bộ, khẳng định.
Về vật tư thi công dự án, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết trạm trộn để sản xuất lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) của hãng Skako nhập khẩu từ Đan Mạch. Thiết bị rải UHPC và bảo dưỡng hơi nước được nhập khẩu từ Trung Quốc nên quá trình vận hành, bàn giao theo hợp đồng mua sắm thiết bị rải và bảo dưỡng UHPC có hai kỹ thuật viên Trung Quốc.
“Tuy nhiên, toàn bộ công việc vận hành thiết bị từ sản xuất vật liệu UHPC, trộn, rải và bảo dưỡng đều do các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, công nhân của Công ty Thành Hưng (nhà thầu) thực hiện…”- Tổng cục Đường bộ cho hay.
Về công tác chuẩn bị thi công bê tông UHPC, Tổng cục Đường bộ khẳng định vẫn được triển khai theo đúng tiến độ dự kiến và việc nhập cảnh của các kỹ thuật viên không ảnh hưởng đến tiến độ.
"Đối với công tác lựa chọn thiết bị, do nhà thầu thực hiện, trên cơ sở kinh tế - kỹ thuật và sẽ được kiểm tra chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án..."- Tổng cục Đường bộ khẳng định.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức 269 tỉ đồng. Cầu bắt đầu thi công từ ngày 16-8, dự kiến hoàn thành vào cuối quý 4/2020.
Các bước sửa cầu Thăng Long Quá trình sửa chữa mặt cầu Thăng Long bao gồm các hạng chủ yếu sau: cào bóc lớp bê tông nhựa hiện hữu, làm sạch bản mặt thép và sơn chống rỉ; hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép; lắp đặt lưới thép; đổ bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ chịu nén 120MPa, dày tối thiểu 6 cm; tạo nhám và thi công lớp dính bám sau đó phủ mặt cầu bằng bê tông nhựa polyme dày 4 cm. Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, công trình ghi dấu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Cầu được các chuyên gia Nga thiết kế và xây dựng từ năm 1974, hoàn thành cuối năm 1985. Qua hơn 20 năm sử dụng, cầu nhiều lần xuống cấp và được tu sửa. |