Học sinh một trường tiểu học TP.HCM trong ngày tựu trường sáng 4-9 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Bà Vũ Thị Kim Liên (phụ huynh có con học lớp 7 ở TP.HCM):
Mong con được học những bài sát thực tế
Tôi rất vui khi đọc báo biết Bộ GD-ĐT quyết định tinh giản chương trình bậc THCS và THPT. Không biết những bài học mang tính chất hàn lâm, nặng lý thuyết có được Bộ GD-ĐT cắt bỏ một cách triệt để chưa. Tuy nhiên, tôi và nhiều phụ huynh khác vẫn hi vọng con mình và các bạn của cháu sẽ có một năm học mới nhẹ nhàng, không chịu áp lực nặng nề bài vở.
Tôi cũng mong các trường sẽ đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng dạy cho học sinh những vấn đề thiết thực với cuộc sống chứ đừng dạy những vấn đề cao siêu, xa vời khiến học sinh có cảm giác là môn học ấy không có tác dụng gì với bản thân mình. Ngoài ra, tôi mong Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo các trường phổ thông cải tiến phương pháp kiểm tra, cải tiến cách ra đề thi để học sinh không phải học vẹt, học tủ, học theo kiểu nhồi nhét, đối phó. Đến khi thi xong thì "chữ thầy trả thầy".
Bà Nguyễn Thị Nga (phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 ở TP.HCM):
Mong con đi học vui vẻ
Con tôi đã có buổi đầu tiên đến trường tiểu học để gặp gỡ cô giáo chủ nhiệm và các bạn cùng lớp. Về nhà, cháu rất vui và hào hứng chờ đợi đến ngày khai giảng và được đi học chính thức.
Năm nay là năm đầu tiên các trường tiểu học triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Tôi được biết chương trình mới còn có nội dung giáo dục về lịch sử, địa lý, văn hóa... của địa phương - cái này rất hay.
Tuy nhiên, tôi mong các thầy cô giáo hãy chọn cách chuyển tải kiến thức cho học sinh sao cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi các em. Chứ đừng đưa những vấn đề cao siêu quá vào chương trình, học sinh lớp 1 không hiểu được sẽ thành ra chán học và áp lực.
Mong mỏi lớn nhất của tôi là con mình đi học vui vẻ, yêu trường, mến lớp, bé được cô giáo yêu thương và đối xử công bằng...
Mong sao chương trình giáo dục phổ thông mới không có những bài tập khó theo kiểu đánh đố học sinh và cả phụ huynh như chương trình trước đây. Những bài tập khó như vậy khiến học sinh rất mệt mỏi mà lại chẳng có tác dụng gì đối với việc phát triển tư duy của trẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung (phụ huynh có con năm nay vào học lớp 10 ở TP.HCM):
Hi vọng không phải học thêm nữa
Cả gia đình tôi đều phấn khởi khi nghe tin Bộ GD-ĐT quyết định tinh giản chương trình. Bởi tôi hiểu tinh giản tức là giảm tải, mà giảm tải thì chương trình bớt nặng nề. Tôi hi vọng học sinh sẽ không phải đi học thêm nữa.
Thay vào đó, những buổi tối hoặc thứ bảy, chủ nhật các cháu được ăn cơm cùng với ba mẹ, anh chị em để vun đắp tình cảm gia đình; các cháu được học thêm kỹ năng sống, được rèn luyện đạo đức... thông qua hoạt động tập thể tại trường, tại địa phương...
Không những thế, tôi thấy nhiều học sinh hiện nay học hành căng thẳng quá nên các cháu ít có thời gian để làm việc nhà, không biết tự phục vụ, không biết cách giải quyết vấn đề có liên quan đến bản thân mình...
Hiện nay Bộ GD-ĐT đã tinh giản chương trình các môn văn hóa, dịp này các trường phổ thông đưa vào một số chương trình giảng dạy mới để giáo dục nhân cách - lối sống cho học sinh thì tốt biết bao.
TTO - Mua giày 10 triệu cho con đi học, đăng ký các lớp kỹ năng này kỹ năng kia... nhưng nhiều cha mẹ lại không để con tự lập và tự quyết định, khiến đứa trẻ ủ rủ chán chường, không thể 'lớn' lên...
Xem thêm: mth.56001000050900202-mal-ueihn-ueihn-noc-hnyuh-uhp-auc-noh-tot-od-yad-gnom-cou/nv.ertiout