Báo cáo mới đây của Liên minh Phần mền BSA cho hay, đang xây dựng chiến dịch Legalize & Protect (Hợp pháp & Bảo vệ) với sáng kiến ASEAN Safeguard, tư vấn miễn phí cho 40.000 công ty trên khắp Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines và phối hợp cùng với các cơ quan chính phủ.
Các công ty mà BSA đang hướng tới là những công ty được xác định có rủi ro cao và đặc biệt dễ bị tấn công bởi các mối đe dọa an ninh mạng và ASEAN Safeguard được thiết kế nhằm hỗ trợ các công ty trên hành trình trang bị đầy đủ các phần mềm được hợp pháp hóa một cách toàn diện.
Theo ông Tarun Sawney, giám đốc cấp cao BSA tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tại Việt Nam, BSA sẽ tiếp cận khoảng 16.000 doanh nghiệp, tuy nhiên mục tiêu của họ vẫn là làm việc với càng nhiều doanh nghiệp càng tốt.
Ông bày tỏ: "BSA vô cùng hoan nghênh các cá nhân, tổ chức cung cấp cho chúng tôi thêm nhiều thông tin doanh nghiệp, để BSA có cơ hội hỗ trợ họ trong vấn đề an ninh mạng”.
Các cuộc tư vấn sẽ giúp người dùng có thêm thông tin về chương trình, thông qua đó đại diện của các tổ chức sẽ được yêu cầu điền vào bản khảo sát kiểm kê phần mềm hoàn toàn bí mật, nhằm cung cấp chi tiết thông tin về phần mềm và phần mềm có giấy phép hiện được cài đặt trên thiết bị của mỗi công ty.
Sau khảo sát, BSA sẽ kiểm tra tính hợp lệ của các chương trình cấp phép được cung cấp nhằm xác định "khoảng cách cấp phép" của tổ chức và kết nối với các nhà cung cấp chính thức mà từ đó họ có thể mua các giấy phép phù hợp.
Ông Tarun Sawney cho biết BSA coi vấn đề an ninh mạng là trọng tâm hàng đầu trong khu vực ASEAN. Ảnh: TH
Ông cũng cho biết thêm, đại dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể cách làm việc của các công ty, doanh nghiệp. "Với sự gia tăng trong phương thức làm việc từ xa thông qua các nền tảng trực tuyến và việc bình thường hóa các chính sách làm việc tại nhà, điều này cũng dẫn đến việc các doanh nghiệp có nguy cơ gặp phải gian lận mạng cao hơn bao giờ hết và các cuộc tấn công trực tuyến này ngày càng phức tạp cũng như gây thiệt hại"- ông Tarun chia sẻ.
Ông cũng cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, đã có 89 triệu cuộc tấn công mạng ở Indonesia, con số này vô cùng nguy cấp với vấn đề an ninh mạng của một quốc gia. Còn theo thống kê của Kaspersky Lab, trong năm 2020, các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam đã tăng 39% so với cùng kỳ năm trước, trong đó những công ty có trên khoảng 250 nhân viên thường được các ‘tin tặc’ ưa thích.
Theo số liệu của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý 3 - 2019, đã ghi nhận 1.466 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam được ghi nhận là 3.159 cuộc, cho thấy mức độ thường xuyên gánh chịu những cuộc tấn công mạng đa dạng không chỉ đến từ tin tặc trong và ngoài nước, mà còn cả những đối thủ kinh doanh.
"Do đó BSA coi vấn đề an ninh mạng là trọng tâm hàng đầu trong khu vực ASEAN. Với chiến dịch ASEAN Safeguard, chúng tôi sẽ tìm cách thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc sử dụng phần mềm được cấp phép, đồng thời giúp đỡ họ ngăn chặn thiệt hại do tấn công mạng gây ra"- vị giám đốc này nhấn mạnh.