Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục trồng trọt - Ảnh: CHÍ TUỆ
Ngày 5-9, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến về một bài báo trích dẫn lời của đại diện một doanh nghiệp nói tại một buổi tọa đàm: "Tôi xin khẳng định, 90% người Việt Nam ăn gạo bẩn, có khi 90% là khiêm tốn...
Rất nhiều người nghĩ ăn gạo bẩn không chết, mà thực tế thì Việt Nam hay thế giới ăn gạo bẩn cũng không ai chết ngay cả. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ người bị ung thư, tiểu đường,... ngày càng tăng, mà nguyên nhân có sự góp phần của gạo bẩn, của thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 5-9, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục trồng trọt, cho biết, nhận định trên là không chính xác bởi những năm qua ngành lúa gạo Việt đang có những thay đổi và khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường quốc tế.
"Tất cả các thị trường trung bình như Philippines, châu Phi,... hay thị trường cao cấp như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản... đều yêu cầu rất ngặt nghèo về hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta đều đã vượt qua các yêu cầu của thị trường, các nước chấp nhận gạo Việt thì làm sao nói gạo Việt là 'gạo bẩn' được" - ông Cường nói
Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, ở Việt Nam không có chuyện gạo ở ruộng này để ăn, gạo ở ruộng kia để xuất khẩu và cũng không có vùng riêng cho xuất khẩu hay tiêu dùng nội địa nên không có chuyện gạo Việt Nam không đạt chất lượng và người dân Việt phải ăn gạo 'bẩn'.
Ông Cường cho rằng, khi có những nhận định về một ngành sản xuất quan trọng với người nông dân, thì cần có những căn cứ, số liệu chính xác, khoa học, không nên có những nhận xét mang tính cảm tính.
"Điều này sẽ ảnh hưởng đến những thành công và phát triển vượt bậc của ngành lúa gạo Việt Nam trong những năm qua, làm tổn hại đến uy tín hạt gạo Việt ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp và nông dân đã xây dựng trong suốt nhiều năm qua" - ông Cường nói
Theo Cục trưởng cục Trồng trọt, những năm qua, ngành Nông nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo.
Việt Nam hiện đang có bộ giống lúa rất tốt, chất lượng gạo không chỉ được cải thiện mà còn đáp ứng cả yếu tố mùa vụ. Các giống gạo thơm ngắn ngày chất lượng cao vừa đáp ứng được yêu cầu của thị trường vừa giúp chúng ta chủ động trong bố trí mùa vụ.
Người dân cũng có nhận thức đầy đủ về kỹ thuật canh tác sao cho an toàn, Bộ NN&PTNT, các viện nghiên cứu, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã và đang nỗ lực chuyển giao các gói kỹ thuật cho nông dân như '3 giảm 3 tăng', '1 phải 5 giảm' với mục tiêu giảm chi phí đầu vào, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiết kiệm nước nhưng vẫn tăng năng suất, chất lượng, giá cả.
"Nhờ những thay đổi mà ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc, hàng năm diện tích gieo trồng lúa trên cả nước khoảng 7,3 triệu ha nhưng sản lượng thóc lên tới 43,4 - 43,5 triệu tấn/năm, không chỉ đủ cho tiêu dùng và chế biến trong nước với 100 triệu dân mà mỗi năm còn xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo, gạo Việt đã đến được nhiều phân khúc thị trường khác nhau" - ông Cường nói
TTO - Thường gạo Việt Nam được định giá thấp hơn so với gạo Thái bởi chất lượng và uy tín thương mại. Nay giá gạo Việt vượt lên, có nhiều ý kiến cho rằng nên vui thôi, đừng vui quá và còn nhiều điều cần nghĩ tới.