Robot đưa nhu yếu phẩm đến cho bệnh nhân COVID-19 đang điều trị trong khu cách ly Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ
Thiết bị có tên là Smart Carry Robot (gọi tắt là SCrobot), có thể di chuyển đường dài, lên dốc, xoay vòng, phát tín hiệu… và mang nhu yếu phẩm, vật tư y tế, dụng cụ, thuốc... đến tận phòng người bệnh mà không cần cán bộ y tế theo cùng. Sau đó vận chuyển rác thải y tế, rác thải sinh hoạt từ buồng bệnh ra bên ngoài.
SCrobot còn hỗ trợ thầy thuốc giao tiếp với bệnh nhân, hoặc bệnh nhân với thầy thuốc thông qua camera gắn phía trên.
Sản phẩm do thầy giáo trẻ Trần Hoài Tâm - 34 tuổi, khoa kỹ thuật cơ khí Trường đại học Kỹ thuật và công nghệ Cần Thơ - sáng chế.
Ý tưởng ban đầu do Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ đặt hàng nhằm hạn chế tiếp xúc giữa người bệnh với nhân viên y tế, phòng lây nhiễm chéo.
Từ khi nhận được đặt hàng, thầy Tâm bắt đầu lên ý tưởng thực hiện, chỉ trong khoảng thời gian 3 tuần để thầy vừa thiết kế và hoàn thành sản phẩm, với chi phí đầu tư khoảng 14 triệu đồng.
Thầy Tâm (thứ 3 từ trái sang) hướng dẫn nhân viên bệnh viện vận hành robot - Ảnh: T.LŨY
Hiện SCrobot đang được vận hành trong khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID- 19 tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ, phục vụ điều trị cho bệnh nhân 980 nhiễm SARS-CoV-2 (từ Philippines về Cần Thơ).
Theo thầy Trần Hoài Tâm, SCRobot được thiết kế gồm 2 bộ phận: mạch điều khiển và cơ khí. Trong đó còn có đèn tín hiệu, camera giám sát, thiết bị phát sóng WiFi. Robot được điều khiển bằng remote thông qua sóng vô tuyến hoặc qua điện thoại di động, thông qua thiết bị phát sóng WiFi.
SCrobot có thể di chuyển linh hoạt với tốc độ 5km/h. Sử dụng năng lượng pin, hoạt động 5 giờ liên tục, sau đó có thể sạc tái sử dụng. Tuổi thọ của sản phẩm có thể kéo dài 1 - 2 năm.
Bác sĩ Hứa Trung Tiếp - phó giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ - đánh giá SCrobot giúp nhân viên y tế rất nhiều việc. Nếu không có robot này, bệnh viện phải sử dụng nhân viên y tế trong việc đưa thuốc men, dụng cụ, nhu yếu phẩm cho bệnh nhân.
Mỗi nhân viên y tế phải sử dụng 1 bộ đồ bảo hộ trị giá khoảng 300.000 đồng, mà đồ bảo hộ này chỉ dùng một lần rồi bỏ. Mỗi ngày đưa đồ mấy lượt phải dùng tới mấy bộ đồ, rất tốn kém. Ngoài ra, robot còn giúp giao tiếp, dặn dò người bệnh qua camera, hạn chế lây nhiễm khi phải tiếp xúc quá nhiều.
Robot đang được sử dụng tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ - Ảnh: T.LŨY
Thầy Trần Hoài Tâm vốn là cựu học sinh chuyên lý Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ). Từ nhỏ đã yêu thích, đam mê về điện - điện tử nên sau khi tốt nghiệp trung học, thầy Tâm chọn theo học ngành cơ điện tử.
Tốt nghiệp đại học, thầy học thạc sĩ tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và về công tác tại Trường ĐH Kỹ thuật - công nghệ Cần Thơ đến nay.
Thầy Tâm chia sẻ thấy các y, bác sĩ phải làm việc vất vả, căng thẳng và nguy cơ tiếp xúc lây nhiễm cao trong khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nên muốn chia sẻ gánh nặng, chung tay vào việc phòng chống COVID- 19. Vì vậy "ngay khi nhận được đề nghị làm robot, tôi đã nhận lời ngay không chần chừ hay suy nghĩ gì cả".
Cũng theo thầy Tâm, hiện SCrobot vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Bước đầu với phương án điều khiển bằng remote cũng có những điểm hạn chế do khoảng cách điều khiển không được xa hay ảnh hưởng bởi vật cản… Vì thế phải thiết kế một phương án song song là điều khiển thông qua ứng dụng trên điện thoại hoặc các thiết bị thông minh như máy tính.
Với phương thức này, chỉ cần có kết nối Internet là hoàn toàn có thể điều khiển được robot.
TTO - Ngày 15-4, robot có tên NaRoVid1 đã được thử nghiệm hoạt động lau sàn khử khuẩn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội.