Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tiếp tục lên tiếng đề nghị các tổ chức thẻ quốc tế là Visa và Mastercard miễn, giảm một số loại phí giao dịch thẻ để chia sẻ khó khăn với các ngân hàng Việt Nam do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, VNBA đề nghị Visa và Mastercard xem xét trong vòng 12 tháng tới giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành. Đồng thời, áp dụng cơ chế thu một loại phí đối với 1 giao dịch, hạn chế tình trạng thu phí chồng phí. Bên cạnh đó, chỉ thu phí các giao dịch thành công, không thu phí giao dịch lỗi...
Đây là lần thứ 4 cơ quan này lên tiếng khi đã qua 5 tháng kể từ khi gửi đề nghị mà hai tổ chức thẻ vẫn chưa có phản hồi nào chính thức về quyết định giảm thuế, phí.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế tài chính TS. Cấn Văn Lực, việc Hiệp hội ngân hàng đề xuất Visa và Mastercard giảm phí để cùng chung tay chống dịch Covid-19 là rất hợp lý, có ý nghĩa rất lớn và không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của các tổ chức này. Thậm chí, việc giảm phí này còn có lợi cho cả Visa và Mastercard trong việc giữ vị thế và tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ.
"Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số hiện nay. Các giao dịch thanh toán thông qua thẻ Visa, Mastercard ngày càng thể hiện được tính ưu việt cũng như sự thuận tiện, an toàn và bảo mật trong các giao dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh, hưởng ứng lời kêu gọi của NHNN nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, theo tôi được biết, tất cả các ngân hàng Việt Nam đã miễn giảm phí thẻ liên quan đến hoạt động thanh toán. Tuy nhiên, các tổ chức thẻ quốc tế Visa, Mastercard vẫn thu phí như trước đây. Theo tôi, Visa và Mastercard cần có động thái hỗ trợ thị trường thẻ Việt Nam như điều chỉnh chính sách phí dài hạn, giảm các loại phí thẻ đang áp dụng hiện nay, qua đó tạo điều kiện cho các ngân hàng Việt Nam giảm phí cho các điểm chấp nhận thanh toán, thúc đẩy được thanh toán không dùng tiền mặt và cũng là hỗ trợ tổ chức chấp nhận thẻ và người sử dụng thẻ" - vị chuyên gia bày tỏ ý kiến.
Phân tích rõ thêm về "sự hơp lý" của việc đề xuất giảm phí, TS. Cấn Văn Lực dẫn các đánh giá trong những báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV nơi ông đang làm Giám đốc, thì Covid-19 tác động mạnh đến 15 ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng Việt Nam dự báo sẽ giảm 20-25% so với kế hoạch ban đầu. Việc hỗ trợ giảm phí cho khách hàng hiện nay sẽ có ý nghĩa rất lớn và không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của Visa và Mastercard.
Bên cạnh đó, nếu phí thanh toán thẻ không giảm, ông e rằng người tiêu dùng sẽ lựa chọn các kênh thanh toán khác như ví điện tử, mobile banking…
"Trong xu thế công nghệ số, ngoài thẻ Visa và Mastercard, đã và đang xuất hiện nhiều hình thức thẻ thanh toán khác sử dụng QR Code, không tiếp xúc (NFC) và Mpos, Ví điện tử, mobile money... với sự tham gia của nhiều Fintech, Bigtech. Các tổ chức trung gian thanh toán này đang rất chú trọng thâm nhập thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam bằng cách thường xuyên đưa ra các gói khuyến mãi hấp dẫn cũng như mức phí giao dịch thấp để tăng số lượng người sử dụng góp phần mở rộng quy mô thanh toán. Trong tương lai, sự phát triển của công nghệ số hiện nay sẽ cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn về phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt giảm bớt sự phụ thuộc vào thẻ Visa, Mastercard" - ông Lực nhận định.
Vì thế, việc giảm phí nếu thực hiện còn có lợi cho cả Visa và Mastercard trong việc giữ vị thế và tăng tính cạnh tranh.
Nói thêm về các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là mobile money, cũng như áp lực cạnh tranh với Visa, Mastercard, theo TS. Cấn Văn Lực, cùng với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), Việt Nam hiện có khoảng 37 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán như Momo, VNPay, BankPay, AirPay, VNPT EPay, Moca, FPT Wallet, Viettel Pay…. Khái niệm mobile money được hiểu là dịch vụ tiền di động được thực hiện qua hoặc không qua tài khoản ngân hàng. Với khái niệm mở này, rõ ràng là mobile money có rất nhiều dư địa để phát triển tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tiền mặt trong lưu thông của Việt Nam còn khá lớn (hiện khoảng trên 11%, và NHNN muốn đưa tỷ lệ này xuống dưới 10% trong 1-2 năm tới) và đa số các giao dịch nhỏ lẻ (dưới 100.000 đồng) được thanh toán bằng tiền mặt.
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương triển khai thí điểm mobile money dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Ông Lực dự đoán rằng, sau khi có hành lang pháp lý cho triển khai thí điểm mobile money thì dịch vụ này sẽ bùng nổ.
Nhưng trong ngắn hạn, ví điện tử, mobile money vẫn chưa thể thay thế được các phương thức thanh toán truyền thống hiện nay và cũng đang liên tục được cải tiến bởi các NHTM. Hiện tại, các ngân hàng đang tích cực hợp tác cùng với nhiều đối tác để đẩy mạnh hơn nữa các tính năng của "ví điện tử" được tích hợp sẵn trong tài khoản trực tuyến. Hợp tác giữa NHTM với các Fintech, Bigtech cũng là một xu thế, bởi việc này có lợi cho cả đôi bên và đặc biệt là mang lại hệ sinh thái thanh toán, tín dụng, vấn tin và nhiều trải nghiệm khác cho khách hàng.
Trong bối cảnh ấy, vị chuyên gia tài chính đầu ngành cho rằng các tổ chức lớn như Visa và Master cũng đang có những thay đổi, thích ứng cho phù hợp hơn với xu thế công nghệ số, công nghệ thanh toán trong tương lai không xa.
H.Ki
Nhịp sống kinh tế