vĐồng tin tức tài chính 365

Dòng tiền khối ngoại bắt đầu ‘hứng khởi’ hơn trên thị trường?

2020-09-06 12:02

Dòng tiền khối ngoại bắt đầu ‘hứng khởi’ hơn trên thị trường?

Dũng Nguyễn

(TBTKSG Online) – Giao dịch khối ngoại vẫn chưa thoát vị thế bán ròng kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào tháng 2, nhưng tốc độ bán ròng đã giảm dần. Tháng 8 cũng ghi nhận tháng tăng trưởng tốt nhất trong vòng 10 năm qua của VNIndex cùng dòng tiền “đường vòng” của khối ngoại qua các quỹ đầu tư chỉ số ETF vẫn còn rất "nóng".

Tháng 8 là tháng tăng điểm tốt nhất trong 10 năm qua của chỉ số VNIndex. Hình minh họa: TTXVN.

Cập nhật mới đây của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tính đến cuối tháng 8 đạt con số 33.829 tài khoản, trong đó có 30.001 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 3.828 nhà đầu tư tổ chức.

Với khoảng 296 tài khoản được cấp mã số giao dịch chứng khoán, bao gồm 16 tổ chức và 280 cá nhân, tháng 8 là thời điểm có nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch chứng khoán nhiều nhất từ đầu năm đến nay, dù vẫn ít hơn so với cùng kỳ.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ tăng mạnh vào tháng 8, bất chấp làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 quay trở lại.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng, chỉ số VN Index đạt 881,65 điểm, tăng 10,43% so với tháng 7, còn HNX-Index cũng tăng 16,13%, UPCoM-Index tăng 7,34%.

“Tháng 8 tốc độ tăng trưởng của VNindex là tốt nhất trong 10 năm qua, hiện đang quay về mức đỉnh trong tháng Sáu là 900 điểm. Thậm chí nếu xét theo điểm không có ngành nào giảm trong tháng trước”, báo cáo của công ty chứng khoán KIS nhận định.

Nguồn: FiinGroup, KIS

Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) cho thấy tổng khối lượng giao dịch trong tháng đạt hơn 6,01 tỉ cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 106.470 tỉ đồng. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt hơn 5.070 tỉ đồng và khối lượng giao dịch đạt trên 286 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tỷ lệ tăng lần lượt là 11,85% và 5,56%.

Đáng chú ý với khối ngoại, trong tháng 8, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 23.780 tỉ đồng đồng, chiếm 11,17% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngoại đã bán ròng với giá trị hơn 3.350 tỉ đồng.

Theo HOSE, top 5 cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với giá trị lớn nhất bao gồm VHM (723,57 tỉ đồng), PLX (244,34 tỉ đồng), PHR (144,29 tỉ đồng), HDB (64,04 tỉ đồng), và STB (52,93 tỉ đồng).

Một thương vụ đáng chú ý là khoản 14.700 tỉ đồng mua ròng trong tháng 6 nhờ dòng tiền 15.900 tỉ đồng đổ vào Vinhomes (VHM), tuy nhiên sau đó khối ngoại vẫn tiếp tục rút tiền ra khỏi Việt Nam.

Dù vậy, trong báo cáo về dòng tiền đầu tư tại thị trường Việt Nam vào tháng 8, Công ty chứng khoán SSI cho rằng dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam đang có nhiều điểm tích cực từ giữa tháng 7 khi tốc độ bán ròng đã chậm lại.
Covid-19 đã khiến cho các dòng vốn ngoại đều bị rút khỏi thị trường.

Trên thực tế, việc các nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng không chỉ ở việt Nam mà còn khắp châu Á, từ Hàn Quốc, Đài Loan đến Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines. Lũy kế 7 tháng đầu năm, mức độ “rút ròng” của thị trường Việt Nam (khoảng 3,6 triệu đô la), vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực.

Nguồn: SSI

Một điểm tích cực khác là dòng tiền khối ngoại vẫn đổ vào các quỹ đầu tư chỉ số ETF, sở hữu danh mục nhiều cổ phiếu có cùng điểm đặc trưng nào đó thay vì đầu tư riêng lẻ (vốn hóa lớn, nhóm ngành tài chính,…). Theo SSI, dòng vốn chảy vào các quỹ ETF vẫn ở mức dương trong 3 tháng liên tiếp.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán KIS, một số lượng tiền bán ra có thể đã quay trở lại Việt Nam do nhóm này đã tìm ra “đường vòng” để vào Việt Nam, thông qua các quỹ đầu tư chỉ số ETF. Thực tế cho thấy nhiều quỹ ETF niêm yết vẫn được mua ròng, đặc biệt là 2 quỹ ETF chỉ mới thành lập vào tháng 3 và tháng 5 vừa qua.

“Do vấn đề hết room đã tồn tại trong nhiều năm, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi các quỹ ETF mô phỏng các chỉ số này đang thu hút được sự chú ý nhiều nhất từ khối ngoại”, báo cáo của KIS bình luận.

Theo KIS, dòng tiền như vậy đang gián tiếp "bơm" vào một nhóm cổ phiếu, chiếm 32% tổng vốn hóa của sàn HOSE, phần nào hỗ trợ chỉ số chung trong 4 tháng qua. Dự kiến các quỹ ETF có thể tăng gấp đôi quy mô trong thời gian tới và ETF vẫn là lựa chọn hàng đầu của khối ngoại.

Một điều tích cực khác đáng chú ý nữa là các quỹ đầu tư chủ động ở Việt Nam đang gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, dựa vào thống kê tỷ trọng tiền mặt của các quỹ chủ động giảm rõ rệt kể từ đầu tháng 6 và được giữ ở mức thấp trong tháng 7.

Theo SSI, tỷ trọng tiền mặt của quỹ VEIL (Dragon Capital), quỹ chủ động lớn nhất tại thị trường Việt Nam tại cuối tháng 7 chỉ là 0,87%, của quỹ PYN Elite là 4%, đều là những mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Xem thêm: lmth.gnourt-iht-nert-noh-iohk-gnuh-uad-tab-iaogn-iohk-neit-gnod/288703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dòng tiền khối ngoại bắt đầu ‘hứng khởi’ hơn trên thị trường?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools