Tháng 7, Jasmine Nair - một người dân sống tại Delhi phải bán số vàng gia đình cô tích góp bấy lâu. Ngay cả chiếc vòng vàng mẹ tặng trong đám cưới, Jasmine cũng phải đem bán để có tiền trang trải cho cuộc sống và trả nợ khoản vay xây nhà mới.
"Tôi không còn cách nào khác để thu xếp tiền mặt lúc này hơn là việc bán vàng. Vàng vẫn là hy vọng tồn tại cuối cùng của gia đình tôi", cô nói.
Giống Jasmine, Asha Goel và chị gái cũng buộc phải đem số vàng họ tích luỹ trong suốt 20 năm qua đi bán để lấy tiền trang trải cho sinh hoạt gia đình, trả học phí cho bọn trẻ. "Mẹ đã mua cho chúng tôi số trang sức này khi giá vàng rẻ hơn bây giờ rất nhiều. Giờ đây, chúng tôi cần giữ tiền mặt trong nhà vì tương lai đầy bất ổn phía trước", Goel chia sẻ.
Cảnh tượng người dân xếp hàng dài chờ bán, cầm cố vàng trước các cửa tiệm kinh doanh vàng bạc đã kéo dài vài tháng nay ở Ấn Độ. Quản lý một chi nhánh của Muthoot Finance tại Ấn Độ, Padmavati Haripuri cho biết, phần lớn người dân Ấn đem bán vàng để lấy tiền thanh toán chi phí y tế, hoặc trả học phí cho con. Số khác vay tiền vì họ bị mất việc làm, không còn thu nhập do doanh nghiệp cắt giảm lao động vì Covid-19.
"Từ xưa vàng là khoản tiết kiệm, bảo hiểm cho người nghèo ở Ấn Độ. Giờ họ cần tiền và bán hàng hay cầm cố vàng để đổi lấy tiền mặt là cách nhanh chóng, dễ dàng nhất lúc này để có chi phí cho cuộc sống", ông nói.
So với trước khi Covid-19 xuất hiện ở quốc gia đông dân số thứ hai thế giới, chuỗi cửa hàng kinh doanh vàng bạc của ông chủ Govindan đã giảm một nửa. Khoảng 1/5 số khách tới trong giai đoạn này để bán vàng, thay vì mua vào như trước. Dù thế, Govindan vẫn hy vọng, tình hình kinh doanh chuỗi cửa hàng trang sức của ông sẽ khởi sắc hơn trong 2 tháng tới, nhu cầu mua vàng của người dân sẽ tăng khi Ấn Độ bước vào mùa cưới dịp cuối năm.
Không chỉ đem vàng tích trữ đi bán, người dân Ấn Độ còn tăng vay thế chấp kim loại quý này. Số liệu của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) cho biết, hạn mức tín dụng cho vay lên tới 90% giá trị vàng, thay vì 75% như trước đây.
Xu hướng cầm cố vàng để vay nợ cho thấy nhiều người dân nước này đang bị dồn vào bước đường cùng. Theo các nhà kinh tế, đại dịch Covid-19 đã đẩy hàng triệu người dân Ấn Độ trở lại cảnh nghèo đói.
Thu nhập của các doanh nghiệp và người tiêu dùng tại Ấn Độ sụt giảm mạnh, họ cũng không thể vay nợ từ các ngân hàng bởi nhà băng thận trọng hơn trong bối cảnh kinh tế Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Sự mất cân bằng cung cầu đang thể hiện ở giá vàng Ấn Độ, vốn đã thấp hơn đáng kể so với giá thế giới. Hiện mỗi ounce vàng tại Ấn Độ rẻ hơn 70 USD so với giá chung toàn cầu.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu mua vàng và trang sức tại Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, đã giảm tới 74% trong quý II. Mức giảm này tương đương 124 tấn vàng trang sức, bằng mức tiêu thụ vàng trang sức của Mỹ trong một năm.
Ấn Độ là quốc gia có lượng vàng trang sức lớn nhất thế giới với 25.000 tấn. Với người Ấn Độ, vàng trang sức không chỉ để làm đẹp mà còn là công cụ quan trọng để tích trữ của cải. Vàng cũng là thứ cuối cùng mà các gia đình Ấn Độ cân nhắc bán khi gặp khó khăn.
Việc phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn Covid-19 đã khiến GDP quý II của Ấn Độ giảm 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của Chính phủ nước này công bố hôm 31/8. Đây là số liệu thấp nhất kể từ khi Ấn Độ công bố chỉ số này hàng quý kể từ năm 1996. Hầu hết chuyên gia dự đoán kinh tế Ấn Độ sẽ gặp khó khăn trong tài khóa 2020, khi đại dịch lan đến nông thôn và kìm hãm niềm tin của người tiêu dùng cùng sức mua.
Anh Minh (theo WSJ)