Dưới cái nắng như cháy da của những ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt (57 tuổi; ngụ ấp 13, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) - người thu lãi cả trăm triệu đồng/năm nhờ giữ xanh lũy tre mạnh tông.
Vợ chồng bà Nguyệt giữ lũy tre xanh thu lãi trăm triệu đồng/năm
Theo lời bà Nguyệt, trước đó dù hai vợ chồng bà làm rất nhiều việc không quản vất vả nhưng cuộc sống vẫn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Sau nhiều đêm thức trắng, bà Nguyệt và chồng là ông Trần Văn Hận quyết định rời nơi "chôn rau cắt rốn" để đến ấp 13 nhận và khai khẩn đất rừng nhằm phát triển kinh tế.
Bà Nguyệt đậy gốc và dọn nhánh tre
Tưởng chừng vùng đất mới sẽ đem lại vận may cho đôi vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, một lần nữa họ lại gặp thất bại do trồng chuối, mít, dừa không hiệu quả. Xót thương hoàn cảnh của con, người thân nhiều lần khuyên vợ chồng bà Nguyệt nên trở về quê lập nghiệp để có họ hàng bên cạnh.
Nhưng với ý chí kiên định và sự cần cù, bà Nguyệt và chồng đã quyết định bám trụ với mảnh đất U Minh Hạ để nuôi hy vọng thoát nghèo.
Thu hoạch măng tre
Năm 1997, sau thời gian bàn bạc, vợ chồng bà Nguyệt quyết định tận dụng khoảng 0,5 ha đất bờ lên liếp trồng tre mạnh tông lấy măng bán và kết quả đem lại ngoài mong đợi.
"Lúc đầu, tôi chỉ trồng một vài cây tre lấy măng làm thức ăn trong gia đình. Tuy nhiên, sau đó tôi phải mang măng ra chợ bán vì tre năng suất cao. Từ đó, tôi quyết định trồng mới hơn 300 gốc tre để bán măng, lá, cây tre và cây giống… khi nhận thấy nhu cầu thị trường về loại này khá cao", bà Nguyệt phấn khởi nói.
Măng tre mọc rất nhiều theo gốc
Tiếp lời vợ, ông Hận cho hay trồng tre không phải tốn nhiều chi phí cũng như công chăm sóc. "Người trồng tre chỉ cực khoảng 3 tháng đầu vì thời gian này phải dành nhiều thời gian bón phân, vô đất, tưới nước... Sau đó vài ngày mới tỉa nhánh, dọn cỏ 1 lần. Tre sau khi trồng khoảng 2 năm thì có thể thu hoạch măng và trung bình 1 gốc tre cho năng suất từ 70 - 80 mụt măng/năm", ông Hận chia sẻ.
Bà Nguyệt chiết cây giống để bán cho người dân
Trước đó, bà Nguyệt phải đi hàng chục km để mang măng tre bán lẻ cho người dân và tiểu thương tại các chợ trên địa bàn. Những năm gần đây, do măng tre của gia đình bà được nhiều người biết đến nên chỉ cần "alo" thì thương lái sẽ đến tận nhà thu mua.
Hiện, măng tre được thương lái thu mua tận vườn với giá 10.000 đồng/kg. Theo lý giải của nhiều hộ có thâm niên trong nghề, thời gian này măng rơi vào mùa thuận (tháng 5 – 8 âm lịch) nên giá thấp do nguồn cung rất nhiều. Tuy nhiên, vào mùa nghịch (tháng 1, 2 âm lịch), măng tre có giá từ 20.000 – 30.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ bán.
Người dân bán măng tre cho khách đi đường theo tuyến lộ giao thông
Nhờ giữ xanh lũy tre mạnh tông mà cuộc sống gia đình bà Nguyệt ngày càng được cải thiện và lo cho các con được đầy đủ hơn.
Thời gian này, cứ 3 ngày, gia đình bà Nguyệt thu hoạch măng tre một lần và năng suất đạt trên 300kg. Riêng, mùa nghịch năng suất giảm nên 7 ngày mới thu hoạch 1 lần.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, bà Nguyệt cho hay sẽ tiếp tục gắn bó với nghề. Đồng thời, tìm thêm đầu mối ở các chợ trong tỉnh để mở rộng diện tích trồng tre mạnh tông.
Xem thêm: mth.97851734160900202-ig-uht-ob-gnohk-nab-yac-iaol-gnort-ohn-ueirt-mart-ial-uht/et-hnik/nv.moc.dln