Trong 2 thập kỷ qua, châu Phi là một trong những nguồn cung cấp dầu lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, thị phần của châu lục này được dự báo sẽ giảm khi Trung Quốc mở rộng tìm kiếm các nguồn cung khác.
Năm 2007, khoảng 1/3 lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đến từ châu Phi, theo số liệu từ Cơ quan Quan sát Phức tạp Kinh tế (OEC), một nền tảng dữ liệu trực tuyến có trụ sở tại Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 18%, và dự kiến sẽ giảm hơn nữa khi Bắc Kinh tìm đến các nhà cung khác ở Trung Đông, bao gồm Iran và Saudi Arabai.
Hiện một nửa kim ngạch nhập khẩu dầu của Trung Quốc đến từ Trung Đông. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ khu vực này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035 bất chấp những bất ổn chính trị trong khu vực.
Đặc biệt, Trung Quốc đã đồng ý đầu tư 400 tỷ USD vào Iran để đổi lấy nguồn cung dầu.
Cục diện thay đổi do dầu đá phiến
Theo Mark Bohlund, nhà phân tích nghiên cứu tín dụng cấp cao của REDD Intelligence có trụ sở tại New York, vào những năm 2000, Angola và Sudan đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung dầu của Trung Quốc.
Thời điểm đó, Trung Quốc thâm nhập vào thị trường châu Phi để tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp và thị trường nội địa, nằm trong chiến lược “Tiến ra toàn cầu”.
Năm 2006, 5/10 nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc đến từ châu Phi, bao gồm: Angola, Cộng hòa Congo (Congo-Brazzaville), Guinea Xích đạo, Sudan và Libya, theo dữ liệu của OEC. Các thị trường khác gồm Cameroon, Gabon, Algeria, Nigeria, Ai Cập và Ghana.
Thời kỳ này, Trung Quốc đang cạnh tranh nguồn cung dầu với Mỹ. Tuy nhiên. cuộc cách mạng dầu đá phiến đã biến Mỹ từ nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới trở thành nước xuất khẩu dầu ròng, Bohlund nói.
Ảnh 1: Đến năm 2018, Angola là quốc gia châu Phi duy nhất vẫn nằm trong số năm nhà xuất khẩu dầu hàng đầu sang Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
“Điều này có nghĩa Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của hầu hết nhà xuất khẩu dầu lớn, bao gồm cả Saudi Arabia”, Bohlund cho biết. “Vì vậy, tầm quan trọng của các nhà xuất khẩu dầu châu Phi như Nam Sudan, Cộng hòa Congo và Angola đã giảm đi đáng kể”.
Đến năm 2018, Angola là quốc gia châu Phi duy nhất vẫn nằm trong số 5 nhà xuất khẩu dầu hàng đầu sang Trung Quốc, cung cấp hơn 10% tổng số dầu mỏ của nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Bất ổn chính trị, an ninh không đảm bảo
Bắc Kinh từng đầu tư hàng tỷ USD vào các mỏ dầu ở Sudan và Nam Sudan – hai đồng minh quan trọng của nước này trong khu vực, nhưng tình trạng mất an ninh khiến các hoạt động gần như tạm dừng.
David Shinn, giáo sư tại Đại học George Washington, cho biết khi Sudan thống nhất, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 5% lượng dầu từ nước này. Nhưng đó là trước khi Nam Sudan ly khai khỏi Cộng hòa Sudan vào năm 2011 và 3/4 mỏ dầu thuộc về Nam Sudan.
“Sudan hiện hầu như không có dầu dư thừa để xuất khẩu sang Trung Quốc và sản lượng của Nam Sudan đã giảm do xung đột dân sự ở một số khu vực mỏ dầu”, ông Shinn nói.
Charles Robertson, nhà kinh tế trưởng toàn cầu và nhà phân tích thị trường mới nổi của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital có trụ sở tại Moscow, cho biết Sudan đã trở thành “nhà cung cấp không đáng tin cậy cho Trung Quốc”.
Nam Sudan cũng thông báo sẽ chấm dứt quan hệ đối tác với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nhà điều hành các mỏ dầu chính của nước này, khi giấy phép của họ hết hạn sau 7 năm, theo các báo cáo truyền thông địa phương vào tuần trước.
Các mỏ dầu này sẽ do Tập đoàn Dầu khí Nile thuộc sở hữu của chính phủ Nam Sudan tiếp quản.
|
CNPC sở hữu 41% cổ phần trong tập đoàn dầu khí lớn nhất Nam Sudan - Dar Petroleum Operating Company. Ảnh: AFP. |
CNPC sở hữu 41% cổ phần trong tập đoàn dầu khí lớn nhất Nam Sudan - Dar Petroleum Operating Company, trong khi Sinopec, một công ty nhà nước khác của Trung Quốc, nắm 6% cổ phần.
Do xung đột trong nước, Dar Petroleum sản xuất khoảng 110.000 thùng mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với công suất tối đa, theo hồ sơ của công ty.
Nam Sudan chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc nhưng hầu hết dầu mỏ của nước này được chuyển đến Trung Quốc sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt với nhiều lãnh đạo và doanh nghiệp dầu mỏ Nam Sudan.
Winifred Michael, nhà phân tích liên kết rủi ro khu vực Châu Phi cận Sahara tại Fitch Solutions (London, Anh), cho biết Nam Sudan sản xuất khoảng 170.000 thùng/ngày và không thể đạt mức sản lượng cao nhất khoảng 350.000 thùng/ngày do thiếu đầu tư dài hạn, thường xuyên ngừng cung cấp và hư hỏng các hồ chứa. Đây là kết quả của cuộc nội chiến kéo dài 7 năm gần đây.
“Việc xuất khẩu dầu từ Nam Sudan bị gián đoạn đã làm giảm độ tin cậy của Nam Sudan. Điều đó rất có thể khiến Trung Quốc miễn cưỡng nhập khẩu dầu từ nước này”, bà Winifred Michael nhận định. Bà cho biết Bắc Kinh đang tìm kiếm nguồn cung từ nhiều quốc gia hơn, dẫn đến việc giảm tỷ trọng nguồn cung đó của châu Phi.
“Bắc Kinh đang theo đuổi chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu, vì vậy thị phần của châu Phi trong nhập khẩu dầu của Trung Quốc nói chung đã giảm”, bà Winifred Michael cho biết.
Giáo sư Shinn của Đại học George Washington cho biết khi Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu dầu từ châu Phi từ mức khoảng 32% xuống còn khoảng 18%, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới “đã thay thế nguồn cung đó bằng dầu từ Trung Đông, Venezuela và các nước lân cận".
“Tôi thấy không có lý do gì để mô hình này thay đổi. Châu Phi, bao gồm Nam Sudan, có thể vẫn là một nhà cung cấp ít quan trọng hơn”, ông Shinn nhận định. "Mặt khác, một số khoáng sản châu Phi như coban tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu quan trọng sang Trung Quốc".
Lê Giang
NDH
Xem thêm: nhc.86450521160900202-ihp-uahc-uad-gnouc-ioht-teh-couq-gnurt/nv.zibefac