Nỗi đau không thể diễn đạt hết bằng một, hai lời từ chuyện không tưởng tượng nổi này là quá rõ nên điều cần bàn là các xử lý tiếp theo.
Bước đầu, người trụ trì cho biết trong quá trình sửa chữa, xây dựng lại, chùa đã có sơ suất để xảy ra những xáo trộn. Cụ thể, đã có hàng trăm hũ tro cốt bị để lẫn lộn, không rõ danh tính do trước đó không có ảnh, bị rớt ảnh và cũng không có ghi nhận nào khác để xác định.
Thượng tọa Thích Quang Thạnh, trụ trì mới chùa Kỳ Quang 2, hướng dẫn thân nhân các hũ tro cốt ghi phiếu đăng ký vào chiều 5-9. Ảnh:NGUYỄN HIỀN
Vốn dĩ việc nhà chùa nhận lưu giữ cẩn thận các hũ tro cốt để cả nhà chùa và người thân cùng chăm lo nhang khói gắn với phong tục, nghi lễ, tôn giáo của cộng đồng dân cư. Một khi không thực hiện được bổn phận này, người trụ trì hay những người khác có liên can có bị xem là vi phạm pháp luật để phải chịu chế tài nào đó hay không?
Do có liên quan đến số lượng lớn tro cốt của người chết nên nhiều người đã nghĩ đến tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đến khi nghe nhà chùa nói “chỉ là vô ý”, đã có không ít người cho rằng không xử hình sự được vì tội này đòi hỏi phải là lỗi cố ý.
Thực ra, nếu xem xét kỹ sẽ nhận ra ở trường hợp của chùa Kỳ Quang 2, tính chất lỗi (cố ý hay vô ý) không là yếu tố quyết định việc có hay không xử lý hình sự. Lý do: Ngoài thi thể, mồ mả, Điều 319 chỉ quy định về việc xâm phạm hài cốt (xương người chết đã lâu). Khi Điều 319 không quy định gì về tro cốt (phần nhận được sau khi hỏa táng) thì không thể đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự ai đó ở chùa theo điều luật này được.
Cũng tiện thể nói thêm: Theo Điều 319 nêu trên, sự xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt chính là đã có việc đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Trong vụ chùa Kỳ Quang 2, dẫu những người gây ra chuyện đau lòng phân trần kiểu nào cũng khó chấp nhận được thì vẫn phải thấy họ không xâm phạm tro cốt. Họ chỉ là có nhiều thiếu sót, bất cẩn trong xếp đặt dẫn đến việc không thể xác định được rõ ràng danh tính của các hũ tro cốt (trừ khi các cơ quan chức năng có thông tin khác về lỗi của họ).
Hàng trăm người dự họp tại chùa Kỳ Quang 2 vào chiều 5-9. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Điều quan trọng hơn cần bàn là cách thức xử lý chuyện đã rồi. Nhiều người cho là chùa có thể xem xét đến việc bồi thường cho những thân nhân gửi tro cốt các thiệt hại về vật chất và tinh thần do chùa không thể trả lại cho họ đúng tro cốt đã nhận giữ.
Lại lần nữa cùng thấy việc lưu giữ tro cốt ở chùa có yếu tố tín ngưỡng, tình yêu thương… hết sức đặc biệt trong đa số gia đình Việt. Chuyện gửi giữ này không được quy định trong hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cũng không được pháp luật điều chỉnh cụ thể.
Có không ít ý kiến cho rằng việc người dân gửi hũ tro cốt vào chùa được coi là một dạng hợp đồng dân sự (bằng miệng), đó là hợp đồng gửi giữ tài sản và hợp đồng dịch vụ theo Bộ luật Dân sự. Ngược lại, cũng có nhiều người cho là việc áp dụng loại hợp đồng này vào vụ tro cốt rất không phù hợp, có phần gượng gạo, bởi những yếu tố tâm linh, khát vọng của những người gửi tro cốt. Có lẽ để thuận tình - lý hơn, việc đòi nhà chùa bồi thường như đã nêu không nên đặt ra và trên thực tế cho đến nay những người trong cuộc cũng chưa đặt ra.
Với đề xuất mới đây của nhà chùa, thân nhân có thể dựa vào trí nhớ hay các đặc điểm riêng để nhận diện các hũ tro cốt. Sau đó, thân nhân có thể tiếp tục gửi lại chùa này tro cốt tìm được hay gửi ở nơi khác hoặc được giới thiệu sang chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) gửi miễn phí. Riêng những trường hợp không thể nhận diện được là của ai thì có thể thờ chung theo một hình thức được chọn lựa. Cùng với đó, các hòa thượng sẽ làm lễ siêu độ cho những vong linh đã khuất.
Thiết nghĩ, đây là phương án khả dĩ để hương linh người mất được yên giấc như tâm nguyện của nhiều người và chủ yếu là làm cho nhiều người sống được an lòng. Có thể vì vậy mà phương án này đang nhận được khá nhiều sự đồng thuận.