Thầy Tâm đứng lớp dạy hai môn tin học và âm nhạc cho trẻ khiếm thị - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Tâm muốn nói với các bạn tân sinh viên một điều rằng đừng bao giờ cho phép mình bỏ cuộc, không được gục ngã. Tâm đã làm được và Tâm tin các bạn cũng làm được.
Đó là anh Lê Minh Tâm, 30 tuổi, giáo viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh.
Sáng lên nhờ con chữ
Chiều mưa tầm tã, nước ngập hết lối vào Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh. Từ phía phòng sinh hoạt chung, tiếng guitar đệm khúc dạo đầu bản nhạc Tôi ơi đừng tuyệt vọng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn văng vẳng vang lên. Tiếng đàn hát đó phát ra từ Tâm. Có năm bảy đứa trẻ khiếm thị đang bao quanh anh với vẻ mặt háo hức, chăm chú nghe.
Tâm sinh ra trong một gia đình nghèo khó với 11 anh chị em, 6 gái và 5 trai. Cha mẹ đều khỏe, sinh 6 người con gái cũng bình thường. Nhưng nghiệt ngã, xen kẽ từ anh hai, anh tư, anh sáu, anh mười rồi đến út Tâm cứ lần lượt được sinh ra với đôi mắt mù.
10 tuổi, Tâm được gửi vào trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật. Tại đây, lần đầu tiên Tâm cảm thấy bản thân mình khác thường khi đưa tay mò mẫm từng con chữ nổi đầy lạ lẫm, rất khó khăn. Nhưng bẵng đi một thời gian, những con chữ nổi cũng sáng dần lên dưới đầu ngón tay.
Tâm nổi bật lên trên tất cả ở điểm học. Khả năng cảm nhạc, năng khiếu chơi đàn guitar, organ lẫn ca hát ở Tâm cũng sớm được bộc lộ, phát huy.
Năm 2003, khi học lớp 6, Tâm bắt đầu chuyển lên TP.HCM, một mình trọ học trong căn phòng nhỏ gần Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, quận 10. Ngày ngày mò mẫm đến trường trong bóng tối, tia sáng từ giấc mơ đổi đời bằng sự học cứ nhen nhóm rồi rực cháy trong Tâm. "Từ nhỏ Tâm đã mê học lắm" - anh cười.
"Lợi thế" của Tâm
Giấc mơ ấy càng mãnh liệt hơn khi vào năm 2012, anh được tuyển thẳng vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Dù không tốn tiền đóng học phí nhưng tiền trọ, tiền điện nước, tiền sách vở lại đè nặng lên vai tân sinh viên khiếm thị. Ngày cũng như đêm, bóng tối cuộc đời luôn giăng đầy trước mắt Tâm.
Và một ngày, Tâm không biết bằng cách nào mà câu chuyện "tia sáng, sự học từ đôi mắt mù" của mình đã đến tai những người làm chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm ấy. "May mắn năm đó Tâm được nhận suất học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Học bổng đến 5 triệu đồng, một khoản tiền quá lớn ở thời điểm đó. Nhớ lại mà xúc động quá" - Tâm nhớ lại, mắt rướm lệ.
Để đi hết con đường 4 năm đại học, Tâm bươn chải đủ nghề, từ hát rong đến bán vé số dạo. Cầm cây đàn guitar và xấp vé số trên tay, Tâm dò dẫm từng bước, đi khắp các hang cùng ngõ hẻm bán từng tờ vé số. Có ngày Tâm đi đến tận Long An, Bình Dương để mưu sinh.
"Nhiều hôm mò mẫm đi rồi lọt thỏm người xuống cống lúc nào chẳng hay. Ngã đợt đầu có sợ, nhưng vài chặp thì cũng quen. Nghỉ hết mệt, phủi bụi, phủi bùn lại đi tiếp" - Tâm cười hiền.
Ở đầu mỗi buổi học, Tâm đều phải xin phép giảng viên được ghi âm bài giảng để về nghe lại cho khỏi sót kiến thức. Đối với giáo trình, tài liệu, anh đều phải đến các tiệm photocopy nhờ chuyển đổi thành file PDF. Rồi từ file có được, Tâm lại đưa vào máy tính, nhờ phần mềm đọc hỗ trợ người khiếm thị chuyển thành file âm thanh.
"Nhiều môn học đến nửa chương trình nhưng vẫn chưa có giáo trình, có môn có giáo trình thì cũng là lúc cả lớp nghỉ học để ôn thi. Khó khăn lắm" - Tâm nói.
Nhưng khó khăn rồi cũng qua đi. Năm 2016, Tâm tốt nghiệp đại học. Anh trở về quê hương Tây Ninh và được nhận vào làm giáo viên tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị của tỉnh.
Hỏi anh tại sao lại chọn dạy ở đây mà không phải là một nơi nào tốt hơn, Tâm cười nói: "Lợi thế của Tâm là cũng mù và vì lớn tuổi hơn, từng trải hơn nên sẽ hiểu các em ở đây cần gì, khó điểm nào. Hơn nữa Tâm lớn lên từ đây, có được như ngày nay cũng từ đây, nên trở về đây tiếp sức các em".
Sáng làm thầy, chiều đi bán vé số
Tâm hiện đang sống cùng cha mẹ ngoài 70 tuổi tại xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, Tây Ninh. Suốt nhiều năm nay, cứ đến thứ sáu hằng tuần, sáng anh làm thầy, chiều lại lên xe buýt đi TP.HCM bán vé số. Hai ngày cuối tuần ở TP.HCM, anh nói "hên thì kiếm được 600.000 - 1.000.000 đồng, xui bị lừa mất vé thì chỉ đủ ngày công 150.000 đồng".
1.000 suất học bổng Tiếp sức đến trường năm 2020
Những con số qua 17 năm Tiếp sức đến trường - Đồ họa: Tấn Đạt
"Tân sinh viên khó khăn hãy gọi Tuổi Trẻ!"
Bằng thông điệp này cùng với sự đồng lòng, chung sức của bạn đọc báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm, 17 năm qua chương trình Tiếp sức đến trường đã giúp hàng vạn tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thực hiện ước mơ, khát vọng đến với giảng đường đại học.
Năm học 2020 - 2021, chương trình dự kiến dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên trúng tuyển đại học, cao đẳng có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt. Đăng ký hồ sơ phỏng vấn trực tuyến tại http://tsdt2020.tuoitre.vn trước ngày 15-10-2020.
Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: tiepsucdentruong@tuoitre.com.vn hoặc điện thoại: 0283.997.3838.
Bạn đọc có thể đồng hành với báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn điểm tựa ban đầu để vững tin trong học tập.
Kinh phí ủng hộ có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực.
Hoặc chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM, hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
TUỔI TRẺ
Điều kiện nhận học bổng Tiếp sức đến trường 2020
1. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn (có xác nhận của địa phương hoặc nhà trường), có nguy cơ bỏ học nếu không được giúp đỡ.
2. Trúng tuyển vào đại học hoặc cao đẳng năm học 2020-2021 (có giấy xác nhận hoàn tất xác nhận nhập học trường). Ưu tiên:
+ Tuyển thẳng theo quy định Bộ Giáo dục và đào tạo.
+ Xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
+ Xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM.
+ Thí sinh trúng tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2020 từ 700/1.200 điểm trở lên.
3. Có thư trình bày rõ hoàn cảnh gia đình và khát vọng, hướng phấn đấu trong học tập và nghề nghiệp tương lai.
Đăng ký hồ sơ trực tuyến tại đây.
TTO - Ngày 16-8, tổng kết chương trình đi bộ đồng hành trực tuyến "Tiếp sức đến trường" năm 2020, ban tổ chức cho biết gần 7 tỉ bước chân đã được tích lũy, đồng hành cùng ước mơ đến trường của sinh viên vượt khó.
Xem thêm: mth.45364147070900202-gnourt-ned-me-nad-cus-peit-iht-meihk-oaig-yaht/nv.ertiout