vĐồng tin tức tài chính 365

P2P lending: Người hùng hay kẻ tội đồ?

2020-09-07 11:03

P2P lending: Người hùng hay kẻ tội đồ?

Lê Trần

(TBKTSG Online) - Câu trả lời cho câu hỏi này hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của Chính phủ. P2P lending, bản thân giải pháp công nghệ tài chính này mang ý nghĩa tích cực. Nhưng nếu Nhà nước không đủ năng lực quản lý, kiểm soát và hỗ trợ, nó có thể lại biến tướng thành những kẻ tội đồ, thủ ác.

Cho vay ngang hàng (P2P lending) là nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

P2P lending là một trong các dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) quan trọng, phát triển trên nền tảng ứng dụng, thành quả từ cuộc cách mạng công nghệ số. P2P lending sử dụng dữ liệu lớn (bigdata) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, đánh giá khách hàng vay, đưa ra các gói cho vay thích hợp để bên cho vay quyết định tài trợ khoản vay.

P2P lending được kỳ vọng hỗ trợ tăng cường khả năng tiếp cận khoản vay cho các đối tượng yếu thế trong xã hội (người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ, doanh nghiệp siêu nhỏ...), bù đắp khoảng trống tín dụng dưới chuẩn, nơi các tổ chức tín dụng hạn chế, không có nhu cầu hoặc không cung cấp dịch vụ và góp phần đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.

Với ý nghĩa đó, P2P lending là một cấu phần đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển tài chính toàn diện (financial inclusion) của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam cũng vậy, Thủ tướng Chính phủ đã xác định: “Ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo là thành tố quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện” trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22-1-2020. Theo đó, một trong những nhiệm vụ đăt ra là “Nghiên cứu, ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (trong đó có P2P lending)”.

Thực tiễn gây “hoang mang” về P2P lending

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi lấy ý kiến về dự thảo cơ chế thử nghiệm fintech, số lượng fintech tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ 40 công ty năm 2016 lên 150 công ty năm 2019, trong đó có khoảng 40 công ty P2P lending. Vốn đầu tư vào lĩnh vực này cũng tăng đột biến lên 400 triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên, tăng trưởng nóng trong lĩnh vực này cùng với sự không theo kịp của hành lang pháp lý cho hoạt động fintech đã và đang tạo ra nhiều hệ luỵ. Hoạt động P2P lending thiếu kiểm soát đã bị lợi dụng, biến tướng thành “ứng dụng cho vay nặng lãi”, “tín dụng đen công nghệ”, có nơi tính ra với lãi suất cắt cổ 655%/năm (đặc biệt là những app cho vay do người Trung Quốc điều hành), đẩy nhiều người vay vào cảnh khốn cùng, nợ nần chồng chất và thậm chí, đã từng có những cái chết thương tâm từ sức ép trả nợ vay nặng lãi này.

Từ những hệ luỵ này, một bộ phận truyền thông đã khoác lên P2P lending, “cho vay qua app” một tấm áo khá tiêu cực. Góc nhìn tiêu cực này cũng lại kéo theo nhiều hệ luỵ, mà đối tượng bị tác động lớn nhất không phải là bên cho vay, nhà đầu tư ứng dụng công nghệ mà lại chính là người đi vay. Bởi nếu P2P lending (thực thụ) không phát triển, một bộ phận dân chúng sẽ tiếp tục là bên yếu thế và lại sẽ vẫn là khách hàng tiềm năng của nạn tín dụng đen.

Người hùng hay tội đồ?

Câu trả lời cho câu hỏi này hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của Chính phủ. P2P lending, bản thân nó mang ý nghĩa tích cực. Nhưng nếu Nhà nước không đủ năng lực quản lý, kiểm soát và hỗ trợ, nó có thể lại biến tướng thành những kẻ tội đồ, thủ ác.

Với sự bùng nổ không kiểm soát hiện nay, hàng loạt các app cho vay nước ngoài đang hoành hành gây nên nhiều hệ luỵ cho xã hội. Chính phủ cần khẩn trương hơn trong việc “dọn dẹp”, tạo lập môi trường cho lĩnh vực này. Một mặt, cần vào cuộc lật tẩy, xoá bỏ các ứng dụng cho vay nặng lãi trá hình; mặt khác cần sớm ban hành cơ chế thử nghiệm cho fintech nói chung và P2P lending nói riêng. Đồng thời, tạo lập thêm các hạ tầng hỗ trợ fintech như kết nối tổ chức tín dụng với fintech, cho phép fintech khai thác thông tin tín dụng kèm theo cơ chế cung cấp tin thông tin tín dụng trở lại về trung tâm thông tin tín dụng quốc gia...

Thay cho lời kết, việc các ứng dụng cho vay nặng lãi trá hình, đặc biệt do người nước ngoài vận hành bùng nổ, hoành hành trong thời gian qua là đáng lên án, cần sớm xử lý, dẹp bỏ. Nhưng Chính phủ không nên vì thế mà ngập ngừng trong việc ban hành cơ chế thử nghiệm fintech/P2P lending. Trái lại, Chính phủ cần khẩn trương hơn trong việc tạo lập cơ chế này. Chỉ khi chính sách theo kịp công nghệ, người dân mới thụ hưởng được thành quả của công nghệ.

Tóm lại, chúng ta thực sự cần một cái nhìn “khả ái”, khách quan, công tâm hơn về P2P lending. Bởi nếu không bảo vệ bên cho vay, bên đầu tư nền tảng ứng dụng, họ sẽ không vào cuộc; khi đó, người thiệt thòi nhất sẽ vẫn là bên đi vay, quảng đại quần chúng yếu thế với nhu cầu tài chính còn đang hiện hữu.

Xem thêm: lmth.od-iot-ek-yah-gnuh-iougn-gnidnel-p2p/109703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags: p2p

“P2P lending: Người hùng hay kẻ tội đồ?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools