Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trên thực tế, cơ cấu giá điện đầu vào, cũng như các chi phí chung luôn tăng và đó là lý do trong 9 lần điều chỉnh, giá điện đều tăng.
Tìm giải pháp căn cơ cho quy hoạch điện
Sáng 7.9, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chủ trì phiên giải trình thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giữa Thường trực Ủy ban Kinh tế với Bộ Công Thương và một số đơn vị liên quan.
Tại phiên giải trình, ông Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi cho Bộ Công Thương về việc quy hoạch điện của Việt Nam vừa qua "còn có phần xơ cứng, chậm điều chỉnh, chậm cập nhật tình hình, cho nên chúng ta mất cơ hội để phát triển điện lực".
Giải trình về vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương - cho hay, những tồn tại, hạn chế của Tổng sơ đồ Điện VII, Bộ Công Thương cũng đã nhìn thấy, đồng thời có đánh giá, dự báo về thị trường năng lượng. Trong đó, có câu chuyện về phát triển năng lượng mới, câu chuyện đổi mới cơ chế quản lý.
Bộ trưởng Công Thương lấy ví dụ về năng lượng tái tạo; theo đó, trong tổng sơ đồ Điện VII và Điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương tính toán đến năm 2020 chỉ có 600MW, nhưng trên thực tế, do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nên chưa dự báo hết sự phát triển mạnh mẽ và vai trò rất lớn của năng lượng tái tạo. Điều này "đúng là có phần xơ cứng, thiếu chủ động, chúng tôi cũng cảm nhận được điều đó".
Hay như câu chuyện phát triển dầu khí Việt Nam, với trữ lượng dầu khí ngày càng suy giảm, nguồn khí bổ sung cho điện khí cũng thiếu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vấn đề cung cầu năng lượng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: "Đây là câu chuyện không dự báo trước được cho phương án đảm bảo tăng cường nguồn khí để phát triển năng lượng".
Từ những lý lẽ trên, Bộ trưởng Công Thương cho biết, trong chừng mực nào đó "đã bỏ lỡ cơ hội tăng nguồn cung, tăng sự ổn định về mặt cung cầu, bó hẹp khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Tuy nhiên, Bộ đã có những giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên; sẽ có những điều chỉnh, khắc phục những hạn chế trong Quy hoạch Điện VIII".
Ngành điện đang hướng đến thị trường điện cạnh tranh
Trả lời câu hỏi "câu chuyện giá điện đã vận hành theo cơ chế thị trường chưa?", ông Trần Tuấn Anh khẳng định, ngành điện đang hướng đến một thị trường điện cạnh tranh, thực hiện theo từng mức độ.
"Về phát triển thị trường điện cạnh tranh, chúng ta có hơn 94 nhà máy điện đã tham gia vào phát triển thị trường điện cạnh tranh. Chúng ta sẽ có thị trường bán buôn điện cạnh tranh, với sự tham gia của các tổng công ty lớn.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đồng bộ một số giải pháp nhằm củng cố hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đồng thời triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Cụ thể, Bộ sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thành đơn vị hạch toán độc lập thuộc EVN để tăng cường tính minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử giữa các thành viên thị trường điện.
Thí điểm cơ chế cho phép các nhà máy điện năng lượng tái tạo được phép trực tiếp bán điện cho các khách hàng sử dụng điện cuối cùng để vừa mở rộng đối tượng người mua trên thị trường điện, đồng thời thí điểm các cơ chế vận hành của thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Qua thời gian thí điểm từ 2021 đến 2023, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện các cơ chế, hành lanh pháp lý để chính thức áp dụng từ năm 2024" - Bộ trưởng Công Thương khẳng định.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm về việc "Vì sao trong 9 lần điều chỉnh, giá điện đều tăng", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích: Trong khoảng thời gian từ 2011 – 2020, khi thực hiện cơ chế giá điện cạnh tranh, chúng ta chưa có cơ hội đảm bảo cân đối và đảm bảo cơ cấu giá thành điện sản xuất của EVN và các doanh nghiệp đầu tư.
"Trên thực tế, cơ cấu giá điện đầu vào, cũng như các chi phí khác luôn luôn tăng, đó là lý do trong 9 lần điều chỉnh, giá điện đều tăng"- Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.