Lợi dụng sự cả tin của những người có hoàn cảnh kém may mắn, nhiều đối tượng giả danh nhà hảo tâm chiếm đoạt hàng chục triệu đồng bằng hình thức lấy mã pin, mã OTP của tài khoản ngân hàng.
Hai cuộc điện thoại của kẻ nhẫn tâm giả danh mạnh thường quân trong 3 phút đánh cắp 72 triệu đồng
Thời gian qua, Báo Dân trí nhận được phản ánh của một số hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội được bạn đọc Dân trí và các nhà hảo tâm giúp đỡ đã bị các đối tượng giả danh nhà hảo tâm lừa gạt lấy đi số tiền từ 5 triệu đồng đến 72 triệu đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhà hảo tâm và sau đó đề nghị các hoàn cảnh cung cấp mã pin, mã OTP của tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt số tiền đó của các hoàn cảnh nhân ái.
Gia đình vô cùng khó khăn, sau khi biết tin mẹ bị ngã vào bếp hấp cá khiến toàn thân bị bỏng nặng. Anh Hồ Văn Hùng (Con trai chị Thảo, mã số nhân ái 3824, ở thôn Nghĩa Bắc, xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cùng người thân trong gia đình chạy vạy vay mượn khắp nơi mới có được số tiền hơn 90 triệu đồng để đưa người phụ nữ khốn khổ này nhập viện.
Toàn bộ số tiền gia đình đi vay mượn này được anh Hùng chuyển vào tài khoản ngân hàng Agribank với mục đích thanh toán tiền viện phí cũng như chi tiêu trong quá trình chăm sóc mẹ nằm tại bệnh viện Bỏng.
Hoàn cảnh đáng thương của người mẹ anh Hùng nhanh chóng được phóng viên Báo điện tử Dân trí tiếp cận, thu thập thông tin và viết bài kêu gọi sự ủng hộ của những tấm lòng hảo tâm trên cả nước.
Ngay trong buổi sáng bài báo được đăng tải với nội dung: “Đau nhói lòng cảnh người mẹ đi kiếm cái ăn nuôi 3 con bị ngã vào bếp hấp cá”, có nhiều người với tấm lòng hảo tâm đã gọi điện hỏi thăm, xin số tài khoản của anh Hùng để chuyển tiền giúp đỡ.
Nhưng cũng chính thời điểm này, kẻ xấu đã lợi dụng lòng tin, sự thật thà của anh Hùng để lấy đi 72 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của anh, số tiền gia đình vay mượn để chữa trị cho mẹ.
Anh Hùng kể, ngay khi hoàn cảnh gia đình được báo Dân trí đăng tải, một con đường sống được mở ra cho mẹ tôi. Tôi bắt đầu nhận được những cuộc điện thoại gọi đến từ người lạ để hỏi thăm tình hình sức khoẻ của mẹ và chuyển tiền vào tài khoản của tôi để giúp đỡ, sau hai cuộc gọi đầu tiên tôi lần lượt nhận được 200 nghìn và 300 nghìn đồng.
Đến cuộc gọi thứ 3 của một người đàn ông, nghe giọng nói chắc cũng chỉ ngoài 30 tuổi. Họ nói đang làm việc ở nước ngoài, biết được hoàn cảnh của gia đình tôi như vậy nên họ muốn ủng hộ gia đình 2 triệu đồng, vì ở nước ngoài nên việc chuyển tiền gặp khó khăn.
Sau đó họ gửi cho tôi một đường link qua tin nhắn và báo tôi đọc mã pin trong điện thoại của mình rồi gõ vào đó mới nhận được tiền ủng hộ của họ. Sau khi tôi nhập đủ 6 số mã pin thì đường link đó cũng biến mất.
Tiếp theo người đó gọi lại ngay và bảo chuyển cho tôi thêm 2 triệu nữa và cũng bảo tôi làm giống như lần trước. Tôi không biết gì cứ nghĩ làm như thế mới nhận được tiền. Trong khoảng 3 phút họ yêu cầu tôi nhập mã OTP 2 lần, phải đến khoảng 30 phút sau thì tin nhắn giao dịch chuyển tiền thành công từ tài khoản của tôi sang tài khoản khác mới báo về điện thoại.
Tôi vội chạy ra ngân hàng in sao kê, thì được biết đã có người rút tổng hai lần là 72 triệu đồng trong tài khoản của tôi. Tôi cũng ra công an phường sở tại trình báo nhưng từ hôm đó đến nay tôi không nhận được thông tin gì từ họ.
“Thực sự tôi thấy sốc lắm và tuyệt vọng, mẹ thì như vậy giờ lại bị lừa, số tiền đó với tôi là quá lớn. Mình nhẹ dạ cả tin, ai ngờ họ lại lừa mình như thế”, Hùng buồn rầu.
Nửa đêm xin mã OTP kẻ xấu cuỗm luôn hơn 5 triệu đồng của người phụ nữ bị ung thư vú
Không chỉ có anh Hùng bị kẻ xấu lừa gạt, một hoàn cảnh khác là chị Phạm Thị Huệ (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định được Báo điện tử Dân trí viết bài kêu gọi ủng hộ với mã số 3816) cũng bị kẻ xấu lừa gạt rút mất số tiền hơn 5 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng với hình thức tương tự.
Ngay sau khi bài viết: “Xót xa cảnh người mẹ ung thư ôm con về nhà bố mẹ đẻ đúng ngày 29 Tết” được đăng tải trên chuyên mục Nhân ái của báo Điện tử Dân trí. Nhiều người có tấm lòng hảo tâm đã gọi điện hỏi thăm và có ý gửi tiền vào tài khoản để giúp đỡ chị Huệ, nhưng chị Huệ không có tài khoản ngân hàng nên lấy tài khoản của của cháu gái tại ngân hàng Vpbank để mọi người gửi tiền trợ giúp.
Tương tự trường hợp gia đình anh Hùng, chị Huệ kể một người đàn ông cũng xin số tài khoản của cháu từ sáng và hứa chuyển ủng hộ 5 triệu đồng nhưng mãi không thấy chuyển tiền. Đến đêm lại gọi cho cháu hỏi vòng vo, rồi xin mã pin gì ấy. Cháu gái tôi cũng nói lại là thấy nhiều người chuyển tiền cho cô chỉ xin số tài khoản sau đó rồi họ chuyển tiền luôn mà sao anh lại vòng vo xin đủ thứ.
Chắc người đó nói với cháu nó là phải có mã pin đó mới chuyển được, cháu nó thật thà nên cho. Đến sáng hôm sau không thấy chuyển tiền, cháu nó gọi lại thì bảo là đợi đến 8h30 ngân hàng họ mới làm việc rồi sẽ nhận được tiền. Nhưng sau đó gọi thì thuê bao, đến chiều cùng ngày tôi gọi lại thì có chuông nhưng không nhấc máy.
Ngoài ra, hoàn cảnh nhân ái khác được bạn đọc báo Dân trí giúp đỡ cũng bị kẻ xấu lừa gạt lấy đi 5 triệu đồng trong tài khoản. Trường hợp này là chị Nguyễn Thị Khánh hoàn cảnh trong bài viết: "Người phụ nữ bệnh tim ôm nỗi thống khổ nghẹn ngào chăm chồng, con tâm thần", đăng trên báo Dân trí ngày 14/07/2020 có mã số 3796 (xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).
Hiện tượng lừa đảo rút tiền của các hoàn cảnh khó khăn diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại Cần Thơ, kẻ xấu cũng lợi dùng hình thức tương tự để lừa lấy đi hơn 14 triệu đồng của chị Trần Thị Nguyên Thảo (ngụ khu vực 3, phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, TP Cần Thơ).
Theo chị Thảo kể lại: “Kẻ gian xưng là nhà hảo tâm, đang ở ngân hàng chuẩn bị gửi tiền giúp đỡ. Sau đó, họ bảo tôi chụp 2 mặt thẻ ngân hàng, chứng minh nhân dân. Lúc sau, họ bảo tôi đọc mã xác nhận gì đó momo gửi qua tin nhắn. Sau khi cung cấp các thông tin như vậy, tôi phát hiện tại khoản mất tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Đến khi cháu Nhã (cháu của chị Thảo) xem kỹ lại thì mất hơn 14 triệu đồng nên cháu mới ra ngân hàng, báo khóa tài khoản”.
Trước tình trạng một số đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của những hoàn cảnh khó khăn được chương trình Nhân ái của Báo Dân trí giúp đỡ. Để ngăn chặn tình trạng này tái diễn Nhà báo Nguyễn Tuấn Hợp, Phó trưởng ban Bạn đọc - Phụ trách các hoạt động Nhân ái của Báo Dân trí cảnh báo, các hoàn cảnh nhân ái và cả người dân tuyệt đối không được cung cấp mã pin, mã OTP cho các đối tượng khi họ yêu cầu.
Với phóng viên báo Dân trí khi xuống tác nghiệp chúng tôi quán triệt phải hướng dẫn các hoàn cảnh rất cụ thể, có đối tượng nào hỏi xin mã pin, mã OTP thì tuyệt đối không được cho và phải trao đổi lại với phóng viên để tìm hướng dẫn xử lý.
Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn lực lượng chức năng như Cục Cảnh sát hình sự và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Công nghệ cao (Bộ Công an) vào cuộc điều tra làm rõ những đối tượng lừa đảo để trừng trị trước pháp luật.
Trọng Trinh