vĐồng tin tức tài chính 365

Làm đường nông thôn mới ở Thanh Hóa: Tận thu triệt để

2020-09-08 07:21

Nhiều người dân xã Ái Thượng, huyện vùng cao Bá Thước (Thanh Hóa) không đồng tình với việc huy động của địa phương để đóng tiền làm đường xây dựng đường nông thôn mới ở đây.

Địa phương huy động bằng cách cào bằng theo nhân khẩu nên trẻ sơ sinh, người già, trẻ bị thiểu năng, đối tượng chính sách... cũng phải đóng tiền cho việc làm đường này.

Huy động tiền từ đối tượng hưởng trợ cấp...

Chúng tôi đến nhà chị Phạm Thị Quy ở thôn Vèn, xã Ái Thượng lúc gia đình đang chuẩn bị ăn bữa tối.

Đập vào mắt chúng tôi là đứa trẻ hai tuổi đang ngồi bệt trên chiếu, miệng gặm miếng cá khô một cách ngon lành.

Mâm cơm gia đình chị Quy có một bát nước mắm, canh rau đay, một bát rau tươi luộc và mẩu cá khô bằng ngón tay. Theo chị Quy, mẩu cá khô là nhà chị mới cho đứa bé hai tuổi vào buổi sáng nhưng phải để dành cho bữa tối.

Gia đình chị Quy có bảy nhân khẩu, gồm ông bà, hai vợ chồng và ba đứa con, trong đó đứa lớn nhất là cháu Trương Văn Khương, 13 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Hằng tháng cháu được Nhà nước cấp 540.000 đồng.

Tuy nhiên, khi xây dựng nông thôn mới ở thôn Vèn, gia đình chị được yêu cầu đóng 4,9 triệu đồng cho bảy nhân khẩu theo cách tính bình quân một nhân khẩu đóng góp 700.000 đồng.

Trong bữa ăn, em trai của Khương (chín tuổi, học lớp 3) thỉnh thoảng chấm đũa vào bát nước mắm đưa lên miệng trước khi và vội cơm trắng để đánh lừa vị giác.

“Kể từ khi chồng bị ngã gãy chân, tôi phải ứng 6-7 tạ lúa non lấy tiền để chữa trị chân cho chồng. Anh ấy mới khỏi đã phải đi làm. Tôi ở nhà làm ruộng thôi, ông bà thì già yếu rồi có làm được chi mô” - chị Quy kể.

Chỉ vào mâm cơm, chị cho biết mấy tháng nay gia đình chỉ rau với mắm, không dám nghĩ đến thịt, cá... “Nhưng cứ nghĩ đến việc bắt cả cháu Khương bị thiểu năng trí tuệ phải đóng 700.000 đồng tiền làm đường nông thôn mới, tôi buồn quá” - chị nói.

Chị Quy bẻ một mẩu cá khô nhỏ bỏ lên bát em trai Khương, cháu này liền đặt bát xuống, dùng tay xé ra thành từng mẩu nhỏ, dè dặt ăn từng miếng cho đến xong bữa cơm.

Bữa tối của gia đình nhanh chóng kết thúc lúc 7 giờ 30 và chị Quy ngóng ra ngoài như chờ chồng đi làm thuê vẫn chưa về.

Cơn mưa rừng bất chợt ập xuống ở vùng đất thuộc huyện nghèo diện 30a này.

Làm đường nông thôn mới ở Thanh Hóa: Tận thu triệt để - ảnh 1
Mâm cơm chỉ toàn rau của gia đình chị Phạm Thị Quy. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Làm đường nông thôn mới ở Thanh Hóa: Tận thu triệt để - ảnh 2
Gia đình chị Quy có con nhỏ bị thiểu năng, được trợ cấp hằng tháng nhưng cháu vẫn phải đóng 700.000 đồng xây đường nông thôn mới. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

... Đến trẻ sơ sinh, người già cũng không thoát

Không riêng gia đình chị Quy mà nhiều gia đình ở các thôn Vèn, Trênh, Đan, Thung Tâm thuộc xã Ái Thượng, huyện Bá Thước cũng đóng góp xây dựng đường nông thôn mới với số tiền quá sức của họ.

Chị Quách Thị Hoa (31 tuổi, ở thôn Vèn) cho biết gia đình chị gồm hai vợ chồng và ba cháu nhỏ, được bổ đồng 700.000 đồng/khẩu, gia đình đóng 3,5 triệu đồng cho thôn và thu theo kiểu ghi sổ chứ không có hóa đơn gì.

“Khi chúng tôi chưa đóng tiền họ vận động là “đâu có đáng mấy mà không chịu đóng”. Họ nói này nói nọ, cũng nặng nhẹ lắm! Nhiều khi cũng muốn chửi nhau thật. Tôi nói thật lòng, giờ các ông có tới nhà, tôi cũng nói vậy thôi!” - chị Hoa nói.

Theo chị Hoa, lúc đầu gia đình xin chậm đóng nhưng các cán bộ đến nhà nhiều lần vận động nên gia đình chạy vạy đóng luôn cho yên thân chứ để họ đến nhà nói hoài cũng tủi thân. Chị rớt nước mắt khi kể việc đóng tiền.

Ở thôn Vèn, ngoài việc phải đóng tiền theo nhân khẩu, các hộ dân còn phải đóng góp ngày công khi làm đường nông thôn mới.

Chị Lê Thị Nhung ở thôn Vèn như già hơn trước tuổi cho biết: Gia đình có bảy khẩu, trong đó có bốn khẩu là người trong độ tuổi lao động, hai khẩu là người già trên 70 tuổi và một khẩu là trẻ nhỏ. Ngoài việc đóng tiền, gia đình còn phải đóng góp 7-8 ngày công.

“Gia đình nào chưa đóng tiền, họ phát trên loa với nội dung nhà ông này, bà kia còn thiếu bao nhiêu tiền, thấy xấu hổ lắm nên phải cố kiếm tiền đóng góp, dù có chạy ăn từng bữa” - chị Nhung chia sẻ.

“Biết là đường đẹp sẽ tốt cho dân nhưng thu nhiều quá, có người phải bán trâu chứ chẳng lẽ lại đi vay lãi. Chúng tôi đóng tiền làm hai đợt. Đợt 1 là 400.000 đồng/khẩu và đợt 2 là 300.000 đồng/khẩu, ngày 15-9 tới đây là hạn cuối cùng” - chị Bùi Thị Nương ở thôn Thung Tâm, xã Ái Thượng chia sẻ.

”Một số nơi chạy theo thành tích, huy động sức dân quá mức. Quy định xã hội hóa các nguồn lực để phát triển là đúng nhưng không được phép huy động quá mức trong nhân dân, đặc biệt là dân nghèo.“

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ngày 30-9-2016, 
tại hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia 
xây dựng nông thôn mới
 

_______________________________

Kỳ sau: Lãnh đạo xã và tỉnh Thanh Hóa nói gì?

Trong khi xã cho rằng việc huy động tiền là dân chủ, công khai, đồng tình thì tỉnh Thanh Hóa khẳng định không văn bản nào cho phép huy động trẻ sơ sinh, người già, người nghèo, người được hưởng trợ cấp đóng tiền làm đường xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm: lmth.399639-ed-teirt-uht-nat-aoh-hnaht-o-iom-noht-gnon-gnoud-mal/us-ioht/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Làm đường nông thôn mới ở Thanh Hóa: Tận thu triệt để”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools