Chi phí logistics của Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Trước thực trạng đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động, tích cực tìm kiếm những giải pháp giúp tiết giảm chi phí logistics, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Chi phí cao, logistics Việt Nam mất sức cạnh tranh
Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về vận tải biển và hàng không. Hàng năm, có trên 65.000 lượt tàu thuyền đi qua biển Đông, chuyên chở khoảng 50% lượng dầu mỏ và hàng hóa xuất nhập khẩu của thế giới nhưng dịch vụ logistics của Việt Nam phát triển rất chậm, khiến chi phí sản xuất trong nước rất cao, làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, chi phí logistics cao khiến giá thành sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tăng cao hơn so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia… Cụ thể, chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các nước này từ 6-20%, thậm chí cao gấp 3 lần so với Singapore.
Thị trường logistics của Việt Nam tương đương 21-25% GDP, nhưng 80% thị phần này rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, phần còn lại được chia cho khoảng 3.000 doanh nghiệp nội địa. Thị trường logistics lớn như vậy nhưng đóng góp vào GDP hàng năm chỉ 2-3%, do chi phí quá lớn.
Để giảm chi phí không đáng có khi xuất khẩu hàng Việt ra thế giới đòi hỏi cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế phát triển logistics, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, các doanh nghiệp cần ứng dụng các công nghệ mới trong logistics…
Hệ thống chào giá trực tuyến – giải pháp tiết giảm chi phí logistics
Trước thách thức buộc phải chuyển đổi để phát triển, nhiều doanh nghiệp Việt đã đầu tư nghiên cứu, tìm những phương thức cải tiến hoạt động vận tải để giảm thiểu chi phí cho hệ thống logistics nhằm tăng khả năng cạnh tranh về giá cho sản phẩm.
Những doanh nghiệp lớn có nhiều sản phẩm thương mại trong nước và xuất khẩu đặc biệt quan tâm đến chi phí logistics. Là một trong số 4.000 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực logistics và là một công ty thành viên thuộc Tập đoàn An Phát Holdings (APH), An Tín Logistics hiện cung cấp dịch vụ vận tải cho toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm, phụ gia, hóa chất ngành Nhựa, đồng thời phục vụ nhu cầu của nhiều khách hàng doanh nghiệp khác.Đứng trước bài toán cần tiết giảm chi phí logistics để giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, An Tín Logistics đã nắm bắt xu thế và xây dựng nền tảng chào giá trực tuyến APH Freight Market không chỉ phục vụ nhu cầu vận tải của APH và các công ty thuộc tập đoàn này mà còn phục vụ các đối tác trong và ngoài nước.
Đây là một hệ thống cho phép chào giá và đấu thầu trực tuyến, sử dụng công nghệ tự động đánh giá và lựa chọn đối tác phù hợp nhất cho các đơn hàng vận tải đường biển. So với hình thức chào giá truyền thống trước đây thì hệ thống chào giá trực tuyến là giải pháp số hóa giúp tăng năng lực cạnh tranh của các đơn vị và tăng tính minh bạch của mỗi đơn hàng. Toàn bộ quá trình chào giá được thực hiện công khai từ thông tin đơn hàng đến năng lực của đơn vị trúng thầu. Đặc biệt, các đối tác có thể tham gia đấu thầu mọi lúc, mọi nơi mà không cần trực tiếp tới nộp hồ sơ năng lực, chào giá… Tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và đối tác mỗi lần đấu thầu.
Hệ thống này sau khi được xây dựng và đi vào hoạt động đã mang lại nhiều giá trị tích cực cho An Phát Holdings và các công ty thuộc tập đoàn khi tiết giảm được 5 – 10% chi phí vận tải/1 đơn hàng , giúp giảm giá thành sản phẩm và duy trì được những đơn hàng ổn định với đối tác trong và ngoài nước, nhất là trong thời kỳ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Đức Long – Tổng Giám đốc CTCP Liên vận An Tín (An Tín Logistics), công ty trực thuộc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết việc áp dụng số hóa sẽ thực hiện mục tiêu ban đầu là phục vụ hoạt động của APH và các công ty thành viên nhằm tìm kiếm đối tác đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất, chi phí thấp nhất đối với các đơn hàng vận tải đường biển. Trong thời gian tới, An Tín Logistics sẽ phát triển thêm hệ thống đối với các hình thức vận chuyển khác và tiến tới phục vụ các doanh nghiệp có nhu cầu.
Được biết, nền tảng này được An Tín Logistics bắt đầu nghiên cứu và triển khai từ đầu năm 2020, đến nay đã đi vào hoạt động ổn định. Hiện đã có hơn 70 đơn vị chính thức tham gia hệ thống chào giá trực tuyến, bình quân có khoảng 20 đơn vị vận tải tham gia đấu thầu với mỗi đơn hàng. Tuy đi vào hoạt đông chưa lâu nhưng hệ thống APH Freith Market đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các đối tác logistics. Việc áp dụng công nghệ mới vào lĩnh vực logistics được đánh giá là một giải pháp thích hợp và hiệu quả trong thời kỳ các doanh nghiệp Việt đang chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Về phía đối tác logistics, đại diện công ty Kuehne + Nagel Việt Nam đánh giá cao tính minh bạch và việc đảm bảo cạnh tranh công khai của hệ thống chào giá trực tuyến APH Freith Market, đây cũng là cơ hội cho nhiều đơn vị logistics để có thêm đơn hàng trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh.
Kế hoạch trong giai đoạn tới, ông Long cũng cho biết An Tín Logistics đang xây dựng thêm hệ thống chào giá vận tải đường bộ (trucking), dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ giúp tiết giảm tối đa chi phí vận tải đường bộ cho các đơn hàng vận chuyển trong nước và các nước lân cận. Các nền tảng chào giá trực tuyến sẽ ngày càng được mở rộng cải tiến thêm nhiều tính năng mới để không chỉ mang lại tiện ích cho Tập đoàn và các công ty thành viên mà còn có thể tri ân khách hàng, đối tác thân thiết.