Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp vừa và nhỏ và công ty khởi nghiệp Hàn Quốc Park Young-sun cho biết trên Financial Times rằng chính phủ nước này đang tăng cường chính sách khuyến khích công ty quay về. Hàn Quốc đang đối mặt với thất nghiệp tăng cao và tăng trưởng kinh tế chậm do đại dịch.
"Chúng tôi vẫn cần quan sát liệu xu hướng quay về có tăng tốc hay không. Nhưng tôi cho rằng chính sách ưu đãi sẽ tác động đến các hãng sản xuất có giá trị gia tăng cao", bà cho biết.
Tuy vậy, giới phân tích và doanh nghiệp cho biết hầu hết công ty Hàn Quốc vẫn lưỡng lự trong việc chuyển sản xuất, do chênh lệch lớn về lương nhân công, khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn và chính sách bảo vệ lao động tại Hàn Quốc.
Một khảo sát gần đây của K-Biz - Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Hàn Quốc cho thấy chỉ 8% trong số 200 SME Hàn Quốc có hoạt động tại Trung Quốc và Việt Nam cho biết sẵn sàng quay về nước. "Dù môi trường thay đổi vì đại dịch, việc chuyển sản xuất về rất khó có tiến triển lớn, trừ phi có chính sách ưu đãi mạnh tay hơn, bù đắp được chi phí của việc chuyển ra nước ngoài", Park Seok-gil - nhà kinh tế học tại JPMorgan cho biết.
Soeul đang tích cực ưu đãi thuế, trợ giá và hỗ trợ tài chính cho hoạt động nghiên cứu - phát triển sản phẩm (R&D) của các công ty chuyển sản xuất về nước, bà Park cho biết. Việc này nhằm tăng tốc tự động hóa tại các nhà máy, đặc biệt thông qua sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo nhiều hơn, nhằm bù đắp chi phí lao động cao tại Hàn Quốc.
Nỗ lực của Seoul cũng tương tự các chính sách đang được Mỹ, EU và Nhật Bản thực hiện, nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, cả về sản xuất và xuất khẩu. Đây cũng là trụ cột trong kế hoạch khôi phục kinh tế của Tổng thống Moon Jae-in nhằm đối phó tình trạng số việc làm đang giảm mạnh nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á.
Dù vậy, số liệu chỉ ra bất chấp các nỗ lực của chính phủ, các công ty Hàn Quốc vài năm gần đây lại đang tăng tốc đầu tư ra nước ngoài. Theo Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Hàn Quốc, từ năm 2014, 80 công ty - chủ yếu là ôtô và linh kiện ô tô - đã chuyển sản xuất về lại Hàn Quốc, trong khi hơn 21.000 doanh nghiệp mở chi nhánh ở nước ngoài. Trong 3 năm qua, số công ty Hàn Quốc mở rộng ra nước ngoài đã tăng hơn 10%.
Theo số liệu chính thức, đầu tư ra nước ngoài của các công ty Hàn Quốc đã chạm kỷ lục 61,9 tỷ USD năm ngoái - gần gấp 5 lượng FDI vào nước này. Oh Suk-tae - nhà kinh tế học tại Société Générale cho biết nhiều công ty Hàn Quốc vẫn bị thu hút bởi nền tảng sản xuất của Trung Quốc, bất chấp các nỗ lực của Mỹ nhằm tách rời chuỗi cung ứng công nghệ khỏi Trung Quốc.
"Chúng tôi đang làm ăn ổn định tại Trung Quốc. Đây là thị trường lớn, với giá nhân công rẻ hơn. Chúng tôi không thể từ bỏ chỉ bởi vì chính phủ đưa ra các chính sách ưu đãi thuế nhỏ được", một doanh nhân Hàn Quốc thành lập nhà máy tại Trung Quốc 15 năm trước cho biết.
Pushan Dutt - Giáo sư kinh tế tại Insead cảnh báo việc chuyển sản xuất về dường như vẫn là một chiến lược đắt đỏ với nhiều hãng sản xuất Hàn Quốc. "Lợi thế của Hàn Quốc là các công ty của họ hội nhập sâu vào chuỗi giá trị phức tạp toàn cầu và biết cách quản lý hiệu quả sự phức tạp đó. Những chính sách khuyến khích quay về đang đi ngược lại điều này và có thể phản tác dụng", ông nói.
Hà Thu (theo FT)