Trung Quốc sẽ trực tiếp xét xử 12 người Hong Kong bị bắt khi cố gắng vượt biển trái phép để sang lánh nạn tại Đài Loan, hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 8-9, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) cho biết trước tiên vấn đề pháp lý liên quan tới 12 người trên sẽ "phải do chính quyền trung ương Bắc Kinh xử lý", còn chính quyền Hong Kong sẽ cung cấp hỗ trợ cần thiết cho người dân của mình.
"Nếu người dân Hong Kong bị bắt vì vi phạm pháp luật của Trung Quốc đại lục thì họ phải bị xử lý theo luật pháp và quyền hạn pháp lý của đại lục trước khi bất kỳ điều gì khác có thể xảy ra" - bà Lâm nói.
Dù vậy, bà Lâm không nói rõ sau khi có bản án từ Bắc Kinh, chính quyền Hong Kong có tiếp tục xét xử hành vi vượt biển trái phép của 12 người này theo pháp luật riêng của đặc khu hay không.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại buổi họp báo thường kỳ ngày 8-9. Ảnh: REUTERS
Về các hoạt động mà Hong Kong có thể hỗ trợ khi 12 người trên bị xét xử ở Trung Quốc, bà Lâm khẳng định nếu người dân Hong Kong bị bắt giữ bên ngoài vùng lãnh thổ này, giới chức đặc khu có "nhiệm vụ hỗ trợ" người dân của mình.
Trong trường hợp này, văn phòng đại diện của Hong Kong tại TP Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đang cố gắng liên hệ với các quan chức đại lục và cung cấp hỗ trợ cần thiết cho những người bị bắt giữ.
Ngày 23-8, 12 người Hong Kong bị lực lượng cảnh sát biển của tỉnh Quảng Đông bắt giữ khi đang nỗ lực sang Đài Loan.
Truyền thông địa phương cho biết một vài trong số những người này muốn né tránh nguy cơ bị truy tố vì liên quan tới các hoạt động biểu tình chống chính quyền. Những người này được cho là mong muốn xin tị nạn chính trị ở Đài Loan.
Cả Hong Kong và Bắc Kinh không công bố danh tính đầy đủ của 12 người bị bắt giữ. Giới chức Trung Quốc đại lục cũng không nêu rõ liệu những người này có bị truy tố với tội danh bổ sung nào khác (ngoài tội vượt biên bất hợp pháp) hay không.
Ngày 7-9, hãng tin AFP cho biết yêu cầu từ các luật sự của một số thành viên trong nhóm 12 người trên về việc tiếp cận thân chủ đã từ chối.
Trong buổi họp báo ngày 8-9, báo giới đã đặt câu hỏi cho bà Lâm về thông tin trên của AFP nhưng bà Lâm không làm rõ vấn đề này, theo Reuters.
Nhiều người Hong Kong từng tham gia hoặc ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính quyền kéo dài trong năm 2019 được cho là đang suy nghĩ tới lựa chọn trốn khỏi đặc khu này. Họ cảm thấy có nguy cơ đối với bản thân sau khi chính quyền Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia lên Hong Kong.
Kể từ khi luật an ninh Hong Kong có hiệu lực hôm 1-7, Hong Kong đã bắt giữ một số nhân vật nổi tiếng có quan điểm chống chính quyền và ủng hộ phong trào biểu tình năm 2019, trong đó có tỉ phú truyền thông Jimmy Lai (Lê Trí Anh).
Hong Kong cũng đã yêu cầu truy bắt nhiều nhân vật lưu vong như thủ lĩnh phong trào biểu tình sinh viên Nathan Law (La Quán Thông) hay cựu nhân viên Tổng Lãnh sự quán Anh Simon Cheng (Trịnh Văn Kiệt).