Sáng 8-9, tại trụ sở Bộ Nội vụ và 63 điểm cầu từ UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban công tác triển khai thực hiện Dự án 513 về “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 theo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.
Mới có 43 tỉnh, thành hoàn thành sắp xếp huyện, xã
Theo báo cáo, đến nay 43 tỉnh, TP đã hoàn tất đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Tất cả đã được Bộ Nội vụ, Chính phủ rà soát, sau đó trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt bằng nghị quyết và đang triển khai trên thực tế.
Chỉ còn TP.HCM và Kiên Giang có đơn vị hành chính cấp dưới thuộc diện phải sắp xếp nhưng chưa hoàn thành đề án, Bộ Nội vụ đang đốc thúc hoàn thiện để tiến hành các thủ tục pháp lý tiếp theo.
Đi vào cụ thể, có 4/43 tỉnh, thành giảm được sáu đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Cao Bằng giảm được 3/13 huyện, Quảng Ngãi giảm 1/14, Quảng Ninh giảm 1/14, Hòa Bình giảm 1/15.
43/43 tỉnh, thành giảm được tổng cộng 546 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó Hòa Bình giảm được nhiều nhất, 59/210 đầu mối xã (hơn 28%); Cao Bằng giảm 38/199 xã (hơn 19%); Phú Thọ giảm 52/277 (gần 18,8%)…
Chiếu theo các tiêu chí, điều kiện được Quốc hội quy định thì cả nước còn 99 đơn vị hành chính cấp xã đủ các tiêu chí, điều kiện phải sắp xếp. Tuy nhiên, các địa phương liên quan đề nghị chưa tiến hành ngay trong giai đoạn 2019-2021 này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N.NHÂN
Khó giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư
“Vấn đề tiếp theo của giảm đầu mối huyện, xã là sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức. Bộ Nội vụ tổ chức giao ban chính là để lắng nghe xem vướng mắc ở các địa phương thế nào và cùng nhau tháo gỡ” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói.
Theo báo cáo của 43 tỉnh, thành từ việc sắp xếp các đơn vị hành chính huyện, xã vừa qua dẫn tới dôi dư 428 cán bộ, công chức cấp huyện; ở cấp xã dôi dư hơn 9.500 cán bộ, công chức và hơn 6.900 cán bộ không chuyên trách.
Về chính sách chung, số cán bộ dôi dư này có thể được giải quyết theo cách cho nghỉ hưu đúng tuổi hoặc nghỉ hưu non, thôi việc theo diện tinh giản biên chế. Ngoài ra, với trường hợp đủ điều kiện và có nhu cầu thì có thể xem xét tuyển dụng làm công chức cấp huyện, cấp tỉnh; hoặc bố trí sang các xã, huyện khác còn chỉ tiêu biên chế…
1.431 tỉ đồng là số tiền từ ngân sách mà các địa phương giảm được trong năm năm sau khi hoàn tất việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy huyện, xã. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, các tỉnh, thành cần tránh tâm lý nể nang và phải nhận thức rõ về lợi ích vật chất mà việc sắp xếp đơn vị hành chính, tinh giản lao động dôi dư mang lại. |
Tuy nhiên, đi vào triển khai cụ thể, nhiều địa phương than khó và mong muốn Chính phủ cho kéo dài thời gian để sắp xếp số dôi dư này.
Phát biểu từ đầu cầu Nghệ An, ông Trần Quốc Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh này, đề nghị được nới lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tới tận năm 2025, thay vì gọn trong năm 2021 như yêu cầu của Chính phủ.
Đại diện các đầu cầu Phú Thọ, Cao Bằng, Tiền Giang cũng đề nghị kéo dài thời gian áp dụng các chính sách về sắp xếp, tinh giản biên chế để địa phương giải quyết lao động dôi dư.
“Giải quyết sớm số cán bộ dôi dư lúc nào thì lợi cho địa phương lúc ấy. Đã dôi dư tức là không có công việc để làm. Không làm việc mà vẫn không giải quyết dứt điểm thì hằng tháng vẫn phải trả lương, phụ cấp và nhiều chi phí liên quan khác. Chưa kể, nếu kéo dài thời gian sắp xếp thì chính các cán bộ, công chức đó càng lớn tuổi, càng giảm cơ hội tìm kiếm việc làm mới” - ông Trần Anh Tuấn lưu ý.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhắc lại yêu cầu của Chính phủ với các địa phương là phải hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng như sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức và giải quyết số dôi dư. Phải giải quyết dứt điểm giai đoạn 2019-2021, tổng kết để xây dựng lộ trình, kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo, 2022-2030. “Không nên đẩy việc khóa này cho khóa sau” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Bộ Nội vụ sẽ nhận khuyết điểm về chậm chuẩn hóa địa giới hành chính Cũng trong cuộc họp, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Dự án 513 chủ yếu phục vụ việc quản lý nhà nước về địa giới hành chính nhưng xem ra các địa phương chưa quyết liệt thực hiện. Đến nay, sau tám năm mới chỉ hoàn thành các bước triển khai ở địa phương, kiểm tra nghiệm thu hồ sơ, bản đồ địa giới và thẩm định với 37 tỉnh, thành. Với 28 địa phương có biển thì Bộ TN&MT vẫn chưa trình Thủ tướng phê duyệt được phương án kỹ thuật làm cơ sở xác định ranh giới quản lý hành chính trên biển. Đại diện các tỉnh, thành cho rằng có một số khó khăn mà chủ yếu là ngân sách địa phương eo hẹp, cần được trung ương hỗ trợ mới đẩy nhanh được tiến độ dự án. Kết luận nội dung này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết liên bộ Nội vụ - TN&MT chắc sẽ phải báo cáo, nhận khuyết điểm trước Chính phủ. |