Bị cáo Bùi Viết Hiểu - người cao tuổi nhất trong nhóm bị cáo hầu tòa - Ảnh: GIANG LONG
Sáng 9-9, phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ đổ xăng làm chết 3 chiến sĩ công an xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang phần tranh tụng.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Hậu quả vô cùng lớn
Viện kiểm sát nhận định đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo có hành vi coi thường pháp luật, thực hiện hành vi phạm tội gây hoang mang cho nhân dân.
Khi công an làm nhiệm vụ, các bị cáo đã cùng nhau hô hào kích động, tấn công cảnh sát, đổ xăng đốt khiến ba chiến sĩ công an hi sinh khi làm nhiệm vụ rạng sáng 9-1.
"Hành vi phạm tội của các bị cáo là có tổ chức, mang tính chất côn đồ, giết nhiều người một cách dã man. Các bị cáo đã gây ra hậu quả vô cùng lớn cho ngành công an, tổn thất không gì bù đắp được cho gia đình ba chiến sĩ", Viện kiểm sát nêu quan điểm.
Viện kiểm sát đề nghị mức án - Video: DANH TRỌNG
Trong hai ngày thẩm vấn, diễn biến tại tòa cho thấy bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu vẫn quanh co chối tội, những người còn lại đa số đã nhận tội.
Căn cứ vào các lời khai tại phiên tòa, các chứng cứ thu thập được cùng những video lời khai nhận tội tại cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cho rằng đủ căn cứ xác định các bị cáo đã phạm tội giết người và chống người thi hành công vụ.
Theo quan điểm luận tội của Viện kiểm sát, các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến có vai trò chủ mưu cầm đầu và trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
"Các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ với nhau dưới sự cầm đầu chỉ huy của ông Lê Đình Kình", Viện kiểm sát cáo buộc.
Do ông Kình đã chết nên cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm hình sự.
Bị cáo Công bị cáo buộc có vai trò chủ mưu lôi kéo, phân công các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Công trực tiếp chỉ đạo góp tiền mua xăng, lựu đạn, hướng dẫn các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
"Bị cáo Công thực hiện hành vi với mục đích giết người, giết bằng được công an, giết được càng nhiều càng tốt, việc lựu đạn không nổ là nằm ngoài ý muốn chủ quan", Viện kiểm sát phân tích.
Tại tòa, bị cáo Công vẫn quanh co chối tội. Tình tiết tăng nặng là giết 2 người trở lên, giết người thi hành công vụ, có tính chất côn đồ, có tổ chức. Hành vi của Công gây ra hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng, cần loại bỏ khỏi xã hội.
Bị cáo Chức trong nhiều năm qua biết rõ ông Kình cầm đầu chống đối chính quyền nhưng Chức vẫn cùng nhiều người tham gia.
Rạng sáng 9-1-2020, bị cáo Chức có hành vi dùng tuýp sắt chọc xuống phía 3 công an rơi xuống hố, đổ xăng đốt cháy. Hành vi của bị cáo Chức quyết liệt nhất, côn đồ, hung hãn, mất nhân tính, trực tiếp gây ra cái chết vô cùng tang thương cho 3 chiến sĩ.
Giống như bị cáo Công, Viện kiểm sát nhận định hành vi của Chức có tính chất côn đồ, tình tiết tăng nặng là giết 2 người trở lên, giết người thi hành công vụ nên cần loại bỏ khỏi xã hội.
19 người được đề nghị đổi tội danh
Những bị cáo phạm tội giết người còn lại, theo Viện kiểm sát, trước khi xảy ra vụ án, thực hiện chỉ đạo của ông Kình và bị cáo Công, đã góp tiền mua xăng làm bom xăng, chuẩn bị gạch đá để tấn công công an.
Các bị cáo đều có mặt ở nhà ông Kình đêm 8-1-2020 để tham gia họp bàn cách chống đối công an, cùng nhau mang gạch đá, bom xăng lên trần nhà để tấn công công an. Các bị cáo đồng loạt ném gạch đá, bom xăng vào tổ công tác của Công an Hà Nội.
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG
Hành vi của các bị cáo đều là đồng phạm giúp sức cho các bị cáo khác về tội giết người. Tuy nhiên sau khi xem xét kỹ lời khai của các bị cáo, Viện kiểm sát thấy các bị cáo đều là nông dân, khi nghe lôi kéo đã tham lam đi theo nhóm ông Kình thực hiện hành vi sai pháp luật.
"Các bị cáo này cơ bản đã nhận thức được sai phạm là do nhận thức còn kém nên đã phạm tội. Các bị cáo về cơ bản phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp, không trực tiếp thực hiện hành vi giết chết 3 chiến sĩ công an nên đề nghị áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất với một số bị cáo", Viện kiểm sát phân tích và đề nghị thay đổi tội danh truy tố với 19 bị cáo từ tội "giết người" sang tội "chống người thi hành công vụ" để giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Từ những phân tích trên, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức mức án tử hình.
Trong nhóm phạm tội "giết người": bị cáo Lê Đình Doanh bị đề nghị mức án chung thân; hai bị cáo Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến bị đề nghị 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển bị đề nghị 14-16 năm tù.
Nhóm 19 bị cáo được đề nghị đổi tội danh "giết người" thành "chống người thi hành công vụ" bị đề nghị mức án thấp nhất từ 18-26 tháng tù cho hưởng án treo, mức cao nhất 6-7 năm tù.
Nhóm bị cáo "chống người thi hành công vụ" gồm 4 người: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng cùng bị đề nghị mức 15-18 tháng tù cho hưởng án treo.
Về dân sự, Viện kiểm sát đề nghị buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho gia đình ba chiến sĩ theo đúng quy định pháp luật.
TTO - Bị cáo Bùi Viết Hiểu thay đổi lời khai, thừa nhận khu đất Đồng Sênh không phải đất nông nghiệp. Một số bị cáo nói lời ăn năn về hành vi của mình, gửi lời xin lỗi 3 gia đình chiến sĩ công an hi sinh và xin hưởng sự khoan hồng.
Xem thêm: mth.16632959090900202-hnih-ut-na-cum-oac-ib-2-ihgn-ed-tas-meik-neiv-mat-gnod-na-uv/nv.ertiout