Dù đã khai giảng năm học mới 2020-2021 nhiều ngày nay, nhưng Trường tiểu học Trung Chính, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) vẫn vắng gần 100 học sinh của xã Trung Ý (cũ) sau sáp nhập trường - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Trường tiểu học Trung Chính sau khi sáp nhập Trường tiểu học Trung Ý (cũ) vào có tổng số 446 học sinh, gồm 150 học sinh của Trường tiểu học Trung Ý và 296 học sinh của Trường tiểu học Trung Chính (cũ). Tuy nhiên, đến nay gần 100 học sinh của Trường tiểu học Trung Ý (cũ) chưa đến trường.
Tại Trường tiểu học Tế Nông, tổng số học sinh sau sáp nhập là 598 em, gồm 220 học sinh của Trường tiểu học Tế Tân (cũ) và 378 học sinh của Trường tiểu học Tế Nông (cũ). Song đến nay cũng có gần 100 học sinh của Trường tiểu học Tế Tân (cũ) chưa đến trường, vì phụ huynh học sinh phản đối sáp nhập trường.
Sau khi UBND huyện Nông Cống sáp nhập hai trường nêu trên, phụ huynh không phải đóng góp bất kỳ khoản xã hội hóa nào. Cung đường đưa đón học sinh đi học nơi xa nhất giữa hai địa điểm trường cũ và trường mới là khoảng 4km.
Được biết, sáng 9-9, ông Nguyễn Quốc Tiến - bí thư Huyện ủy Nông Cống - cùng lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện, chính quyền địa phương đã có buổi làm việc tại Trường tiểu học Trung Chính. Tại đây, lãnh đạo huyện Nông Cống lắng nghe, chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh học sinh. Đồng thời, vận động phụ huynh sớm đưa con em đến trường, đảm bảo quyền được học tập của trẻ em.
UBND huyện Nông Cống cũng đã tính đến phương án tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh ở hai trường tiểu học Trung Chính và Tế Nông nhằm giảm tần suất đưa đón con của phụ huynh trong ngày. Song việc này chưa thể thực hiện ngay được vì phải họp phụ huynh đầu năm học, lấy ý kiến của phụ huynh.
Về đề xuất của phụ huynh nên để lại khu trường tiểu học ở xã Trung Ý và Tế Tân (cũ), chính quyền địa phương cho rằng cơ sở vật chất của hai trường tiểu học ở hai xã này đã xuống cấp, không được tu sửa vì xã đã sáp nhập từ cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, để duy trì hoạt động của hai khu trường học này cần phải có nguồn kinh phí chi tiền điện, tiền nước sinh hoạt, bảo vệ hằng tháng, tu sửa cơ sở vật chất hằng năm. Trong khi kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của trường tiểu học rất hạn hẹp, nhà trường lại không được phép thu tiền của phụ huynh học sinh cho các khoản chi nêu trên.
Trường tiểu học Trung Ý (cũ) đã xuống cấp, dừng hoạt động vì xã Trung Ý đã sáp nhập vào xã Trung Chính, huyện Nông Cống - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Xuân Hùng - phó bí thư thường trực Huyện ủy Nông Cống - cho biết Huyện ủy, UBND huyện đang lắng nghe, ghi nhận ý kiến của phụ huynh học sinh và sẽ giải quyết thấu tình đạt lý. Trước mắt, phụ huynh học sinh ở xã Tế Tân, Trung Ý (cũ) nên đưa con em mình đến trường học để đảm bảo quyền được học tập của các cháu.
"Các trường học tại khu mới ở xã Trung Chính, Tế Nông sau khi sáp nhập xã đều được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất khang trang, kiên cố, trang thiết bị dạy học tương đối đầy đủ, đảm bảo nâng cao chất lượng dạy và học. Phụ huynh học sinh nên đồng thuận với chủ trương sáp nhập trường của huyện để con em được học tập trong môi trường giáo dục tốt hơn khu trường học cũ" - ông Lê Xuân Hùng nói.
TTO - Những ngày qua, hàng trăm phụ huynh ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) không cho con em đến trường học dù đã khai giảng năm học mới. Nguyên nhân phụ huynh đưa ra là do sáp nhập trường học nên việc đưa đón con hằng ngày gặp khó khăn.
Xem thêm: mth.9925426190900202-ahn-o-coub-em-ahc-ib-hnis-coh-002-nag-gnourt-pahn-pas-iod-nahp/nv.ertiout