Rất ít nhân viên du lịch nhận được tiền hỗ trợ mất việc do Covid-19
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) – Mãi đến khi dịch Covid-19 lần 2 dần được kiểm soát, số hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng nhận được mức hỗ trợ một triệu đồng từ đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi đầu năm nay chỉ mới là "một số ít". Tỷ lệ nhân viên du lịch nói chung nhận được hỗ trợ thậm chí còn ít hơn.
Hướng dẫn viên đang làm nhiệm vụ tại Nhà thờ Con Gà, Đà Nẵng năm 2018. Đa phần các hướng dẫn viên là lao động tự do, không cam kết hợp đồng. Ảnh: Nhân Tâm |
Chị Lan Phương, một hướng dẫn viên du lịch (HDV) chuyên trách các nhóm đoàn khách nói tiếng Hàn Quốc tại thành phố Đà Nẵng, cho biết tuần trước đã nhận được một triệu đồng từ địa phương - tiền hỗ trợ người lao động mất việc do Covid-19 hồi đầu năm.
“Tôi đã nghỉ tiếp hai tháng nay do Covid-19 bùng phát trở lại và chỉ mới vừa được nhận một tháng hỗ trợ cho đợt nghỉ việc đầu năm nay”, chị Phương nói và chia sẻ mình còn may mắn hơn rất nhiều HDV khác tại thành phố Đà Nẵng – những người đến nay còn chưa nhận được tiền hỗ trợ của đợt 1.
Có thể nói chị Phương nằm trong số 15% số HDV tại Đà Nẵng nhận được khoản hỗ trợ này, theo một khảo sát nhanh mới đây của Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng (thuộc Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng).
Chia sẻ với TBKTSG Online, ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội, cho biết có khoảng 900 HDV trên tổng số 2.700 thành viên của Hội (theo thông tin chính thức số lượng thành viên được đăng tải trện trang web của Hội) đăng ký với chính quyền địa phương (phường, xã) để nhận tiền hỗ trợ nghỉ việc do Covid-19.
Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có khoảng 15-20% trên tổng số hơn 200 HDV trả lời cuộc khảo sát có nhận được một triệu đồng tiền hỗ trợ. “Theo thông tin chúng tôi ghi nhận, lý do chung cho những trường hợp không nhận được tiền hỗ trợ là không đáp ứng các quy định đưa ra”, ông Anh nói. “Các HDV là thành viên của Hội đều được chúng tôi xác nhận là bị mất việc làm do Covid-19 để làm cơ sở cho các địa phương căn cứ hỗ trợ. Tuy nhiên, lại có tình trạng người được nhận tiền, người không”.
Theo tìm hiểu, đa phần các HDV đăng ký nhận hỗ trợ này nằm trong Mục 4, Điều 2 của Nghị quyết 42/NQ-CP. Theo đó, người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá ba tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.
Trong khi đó, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, chia sẻ dù chưa có làm một cuộc khảo sát, tổng hợp chính thức, nhưng theo ông nhìn nhận, chưa đến 5%số nhân viên làm trong lữ hành và khách sạn nhận được hỗ trợ thất nghiệp.
Lý do ông Dũng đưa ra là doanh nghiệp khó tiếp cận các điều kiện [Quyết định số 15-2020/QĐ-Ttg và Nghị Quyết 42/NQ-CP]. “Điều kiện để người lao động mất việc nhận được hỗ trợ là doanh nghiệp không phát sinh doanh thu. Nhưng đặc thù kinh doanh du lịch vẫn phải phát sinh một ít doanh thu. Tuy nhiên, nếu dựa vào điều này để không hỗ trợ cho người lao động thì hơi cứng nhắc”, ông Dũng giải thích và cho biết chuẩn bị làm đề xuất đến các cơ quan liên quan để nới lỏng điều kiện này.
Một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng cũng xác nhận với TBKTSG Online rằng nhân viên của mình, từ văn phòng, điều hành, đến kinh doanh và lái xe, chưa nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo tìm hiểu, Quyết định số 15-2020/QĐ-Ttg, quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, căn cứ trên Nghị Quyết 42/NQ-CP.
Điều 1, Chương 1 của Quyết định 15 quy định người lao động được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 01 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến ngày 01 tháng 6 năm 2020; Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31 tháng 3 năm 2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Nghị quyết 42 cũng có nêu người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá ba tháng.