Chiều 9-9, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Jonathan Hạnh Nguyễn, đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) ký bản ghi nhớ về hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triến khu kinh tế Vân Phong.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Jonathan Hạnh Nguyễn ký bản ghi nhớ về hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triến khu kinh tế Vân Phong. . Ảnh: TL
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPPG sẽ tài trợ khoảng 5 triệu USD để thực hiện quy hoạch khu vực Vân Phong. Quy hoạch khu vực Vân Phong sẽ gắn liền với quy hoạch khu vực nam Phú Yên để phát huy lợi thế kinh tế vùng cũng như hai sân bay chủ lực là Cam Ranh, Tuy Hòa. Dự kiến, năm 2022 sẽ trình Chính phủ thông qua quy hoạch khu vực Vân Phong.
Theo ước tính trước đây của IPPG, công ty này dự kiến sẽ vận động, thu hút khoảng 40 tỉ USD từ các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong.
Hiện có khoảng 200 tập đoàn, công ty trên thế giới đăng ký nghiên cứu đầu tư vào khu vực Vân Phong. Dự kiến, sau khi hoàn thành quy hoạch sẽ thu hút khoảng 60 tỉ USD vốn đầu tư.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, quy hoạch chung khu kinh tế Vân Phong đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi năm 2005 với tính chất là khu kinh tế tổng hợp.
Trong đó, cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản cùng các ngành kinh tế khác.
Khu kinh tế Vân Phong có tổng diện tích khoảng 150.000 ha, trong đó có 70.000 ha mặt đất, 80.000 ha mặt nước, nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.
Lợi thế lớn nhất của khu kinh tế này là nằm ven biển, có cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu 200.000 DWT; giao thông thuận lợi nhờ nằm trên giao lộ bắc nam và Tây Nguyên; cảnh quan du lịch phong phú, đầy tiềm năng để có thế phát triển đa ngành, đa lĩnh vực gắn với kinh tế biển.
Một cầu cảng ở khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: VN
Hiện nay, khu kinh tế Vân Phong có 158 dự án được cấp phép với tổng vốn khoảng 4 tỉ USD, trong đó số vốn đã thực hiện là hơn 1 tỉ USD. Tuy nhiên, do quy hoạch cũ, còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhiều khu vực chưa được quy hoạch, gây khó khăn đối với việc thu hút vốn đầu tư nên cần phải có quy hoạch mới.
Cuối tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý tạm dừng triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh khu kinh tế Vân Phong đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật.
Tháng 7-2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý để các nhà đầu tư tài trợ kinh phí lập quy hoạch xây dựng (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500) thuộc khu kinh tế Vân Phong.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong, sau lễ ký kết, đơn vị này cùng các cơ quan chức năng sẽ phối hợp làm việc với IPPG triển khai những nội dung hợp tác, hỗ trợ về nghiên cứu đề xuất chiến lược phát triển tổng thể; tài trợ công tác tổ chức lập quy hoạch, phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ xúc tiến đầu tư nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh khu kinh tế Vân Phong.
Thời gian qua, IPPG đã quan tâm đến một số dự án lớn tại tỉnh Khánh Hòa. IPPG tham gia cùng các nhà đầu tư khác đầu tư vào dự án nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh. Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPPG muốn đầu tư xây dựng khu kinh tế Vân Phong thành một khu kinh tế hiện đại, khác biệt. |