vĐồng tin tức tài chính 365

TP.HCM dời cảng Trường Thọ vào năm 2022

2020-09-10 01:59

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu quận Thủ Đức phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để xúc tiến thủ tục đầu tư xây dựng khu đô thị Trường Thọ (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM). Bởi khu vực này sẽ trở thành trung tâm và là điểm nhấn của TP Thủ Đức trong tương lai.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, khi xây dựng trung tâm TP Thủ Đức tương lai thì cần phải sớm di dời cụm cảng Trường Thọ hiện hữu.

Giao thông ngày càng tắc tị

Phường Trường Thọ có lợi thế là vị trí cửa ngõ phía đông, phù hợp phát triển cả ba loại hình giao thông đường thủy, đường bộ và metro. Quy hoạch 1/2.000 của khu đô thị Trường Thọ cũng được xem xét điều chỉnh để sớm thực hiện hàng loạt dự án của TP Thủ Đức tương lai.

Tuy nhiên, khu vực cảng Trường Thọ hiện nay được ghi nhận là một trong những điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở phía đông TP. Hằng ngày, rất nhiều xe tải, xe container lưu thông ở khu vực này, các xe phải xếp hàng dài để chờ ra vào cảng.

Vào giờ cao điểm, dọc xa lộ Hà Nội, ngã tư Bình Thái, ngã tư MK, đường số 1 và số 2 luôn có rất nhiều xe tải, xe container lưu thông, gây kẹt cứng.

Theo Sở GTVT, hiện nay mỗi ngày/đêm có khoảng 2.000-2.500 lượt xe ra vào cảng Trường Thọ.

Nhiều năm nay, UBND phường Trường Thọ nhận định khu vực này có tình hình giao thông phức tạp nên phường luôn cử lực lượng chức năng phân luồng giao thông tại các điểm kẹt xe.

TP.HCM dời cảng Trường Thọ vào năm 2022 - ảnh 1
Khu vực cảng Trường Thọ thường xuyên kẹt xe do nhiều xe tải, xe container xếp hàng chờ ra vào cảng. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cảng Trường Thọ đã quá tải

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết công suất hoạt động hiện nay của cảng Trường Thọ đã vượt quá quy hoạch.

Cụ thể, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trong khu Trường Thọ năm 2019 đạt 1,65 triệu teu (tương đương 22,78 triệu tấn). Sản lượng tăng trưởng bình quân từ năm 2015 đến 2019 là 11%. Với mức tăng trưởng bình quân này thì dự kiến đến năm 2025, sản lượng tại cảng lên đến 3,09 triệu teu.

Việc sản lượng tại cảng liên tục tăng là nguyên nhân khiến lượng xe ra vào cảng ngày càng lớn, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng cao.

Hiện nay cụm cảng Trường Thọ có năm cảng ICD hoạt động và khai thác gồm: ICD Tracomexco - Trường Thọ, ICD Transimex, ICD Sotrans, ICD Tây Nam - Tanamexco, ICD Phúc Long. Cụm cảng này có tổng diện tích 49,2 ha; hơn 1.100 m cầu cảng và một kho bãi rộng 6,6 ha.

Năm 2014, UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu di dời cụm cảng Trường Thọ trong năm 2015-2016 để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, việc di dời đến nay chưa xong do chưa có cảng thay thế. 

Theo ông An, bài toán để giải quyết tình trạng trên là sớm xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD mới tại phường Long Bình, quận 9 (cảng ICD Long Bình), sau đó sẽ di dời khu cảng Trường Thọ qua đây.

Việc di dời cảng Trường Thọ đã có chủ trương của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, thời gian di dời còn phụ thuộc vào tiến độ đầu tư khu vực cảng ICD Long Bình vì đây là vị trí hoạt động của các doanh nghiệp tại cảng Trường Thọ hiện hữu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông An, sớm nhất là năm 2022 mới có thể di dời được cảng Trường Thọ về ICD Long Bình.

Cũng theo ông An, Sở GTVT đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch tăng quy mô công suất cảng ICD Long Bình với quy mô 54,2 ha và công suất khai thác tới năm 2025 là 3,019 triệu teu, đến năm 2028 là 3,323 triệu teu.

Theo định hướng đến năm 2030 được Bộ GTVT phê duyệt thì cảng ICD Long Bình phải đáp ứng được công suất tại cảng Trường Thọ sau khi di dời và đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua cảng trong tương lai.

Di dời cảng Trường Thọ càng sớm càng tốt

Theo quy hoạch, Trường Thọ là trung tâm của TP Thủ Đức, do đó việc tồn tại một cảng hàng hóa lớn như vậy là không hợp lý. Đơn cử như việc xe container vận chuyển hàng hóa đã làm hàng loạt tuyến đường xung quanh bị tê liệt, kẹt xe triền miên. TP cần tính toán di dời cảng Trường Thọ càng sớm càng tốt, đặc biệt phải đưa ra ngoại ô để đảm bảo trật tự giao thông.

TP có thể di dời cảng hàng hóa và giữ nguyên cảng hành khách để mang lại vẻ nhộn nhịp, tham quan và phát triển du lịch như bến Bạch Đằng hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần có quy hoạch cụ thể cho khu vực Trường Thọ nói riêng và TP phía đông nói chung.

Có thể thấy hiện nay việc di dời cảng Trường Thọ là rất chậm, còn cảng ICD Long Bình hiện nay vẫn chưa thể triển khai được. Nguyên nhân có thể do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc quá trình giải ngân vốn. Tuy nhiên, các đơn vị cần nêu rõ khó khăn, đưa ra kiến nghị để sớm quy hoạch ổn định TP phía đông.

Việc di dời cảng Trường Thọ chậm như hiện nay gây tổn hại cho xã hội, cụ thể là cơ sở hạ tầng bị tác động và hàng loạt doanh nghiệp bị ảnh hưởng do quá tải, kẹt xe. Do đó, TP cần dồn lực để sớm di dời được cảng này.

TS VÕ KIM CƯƠNGnguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM 

Xem thêm: lmth.344739-2202-man-oav-oht-gnourt-gnac-iod-mchpt/gnoht-oaig/iht-od/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“TP.HCM dời cảng Trường Thọ vào năm 2022”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools