Hơn 44.000 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, mất việc là con số thống kê mới nhất của ngành Du lịch Đà Nẵng. Nghỉ việc quá lâu, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng hiện không còn nhân viên khi hoạt động trở lại.
Nhiều lao động không muốn quay lại làm việc
Thảo là nhân viên lễ tân của một khách sạn lớn, có thâm niên với mức thu nhập khá, ổn định. “Đó là một công việc yêu thích”, nhưng đó là chuyện của 1 năm trước, khi chưa có khái niệm về COVID-19. Hôm rồi, Thảo nhắn “em vừa lập một trang bán mỹ phẩm online, anh vào xem mua ủng hộ và chia sẻ với bạn bè giúp”. Hỏi “định chuyển nghề à?”, cô xác nhận nghiêm túc: “Em đưa ra quyết định, sau gần 1 tháng nghỉ việc không lương do đóng cửa. Khách sạn có gọi bảo chuẩn bị đi làm lại, em quyết định không đi làm nữa. Dịch bệnh, cả nhà sống dè xẻn bằng tiền tiết kiệm mới thấy không nghề nào bấp bênh và đầy tính may rủi như nghề làm du lịch, dịch vụ”.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng - trong đợt dịch lần hai, Đà Nẵng có hơn 44.000 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, mất việc và trong số này hàng nghìn lao động đã phải tìm công việc mới. Đáng nói là hiện một lượng lớn không còn thiết tha với công việc cũ mà Thảo là một ví dụ. “Rất nhiều khách sạn đang chuẩn bị mở cửa trở lại “dở khóc dở cười” vì sau gần 1 tháng, câu trả lời của nhân viên là “đã có công việc mới”. Đây là một tình thế rất nguy hiểm khi Đà Nẵng hết dịch và ngành Du lịch dịch vụ hoạt động trở lại” - bà Hạnh nói.
Đề nghị tiếp tục giảm sâu hơn lãi vay
Đợt dịch hồi đầu năm, số lao động trong ngành Du lịch và dịch vụ Đà Nẵng bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, làm việc luân phiên là trên 23.000 người. Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng thì trong quý I/2020, tổng thiệt hại trực tiếp của ngành Du lịch khoảng hơn 1.859 tỉ đồng, lũy kế quý II ước tổng thiệt hại là 5.672 tỉ đồng. Trong đó, ước tính thiệt hại tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỉ đồng, các đơn vị vận chuyển là 432 tỉ đồng, kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỉ đồng, còn các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.000 tỉ đồng và tại các khu, điểm du lịch khoảng 690 tỉ đồng.
Đến đợt dịch lần hai, theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - thì “hiện ngành Du lịch đang hoàn tất báo cáo về ảnh hưởng nên chưa có con số thiệt hại chính xác ngoài số lượng lao động bị mất việc, với ảnh hưởng tăng gấp đôi và kéo dài, nhưng chắc chắn con số sẽ cao hơn nhiều lần trong đợt một”. Cũng theo ông Dũng thì ngành Du lịch thành phố đã và đang tiếp tục đề xuất những kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
Cụ thể, Hiệp hội đề xuất 4 kiến nghị với Thành phố Đà Nẵng và Chính phủ: Giảm 50% thuế VAT, 100% thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất đến hết năm 2020; tiếp tục áp dụng chính sách giảm chi phí điện, nước ít nhất đến hết năm 2020 cho các doanh nghiệp du lịch; Tiếp tục giảm sâu hơn lãi vay, giãn nợ, khoanh nợ, tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay mới; điều chỉnh điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, bởi nếu điều kiện như trước đây gần như không doanh nghiệp nào tiếp cận được; Đề xuất với Tổng cục Du lịch nghiên cứu giảm khoản tiền ký quỹ cho các doanh nghiệp lữ hành, ít nhất đến hết năm 2021.
“Du lịch, dịch vụ là ngành chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất trong cả 2 đợt dịch chồng dịch. Hiện các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể nói là đang chết lâm sàng nên điều cần trước mắt là “cấp cứu” để sống lại trước khi bàn đến câu chuyện phục hồi, phát triển hay mũi nhọn” (theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng).
Xem thêm: odl.057438-cul-nahn-nougn-tam-oc-yugn-court-gnan-ad-hcil-ud/et-hnik/nv.gnodoal