TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất. Vậy có những thay đổi hay kỳ vọng gì sau sự chuyển đổi này?
Sự đột phá của TP.HCM trong duy trì và thu hút các đầu tầu FDI
Trò chuyện với chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Nguyên Giám đốc R&D Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, vừa qua Samsung có hành động rút khỏi Trung Quốc thì Việt Nam có rất nhiều cơ hội trở thành "căn cứ" lớn nhất của Samsung ở ngoài địa bàn Hàn Quốc.
Việc SEHC được chuyển sang hình thức hoạt động mới sẽ đem lại nhiều ý nghĩa về mặt lợi ích kinh tế cũng như hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, có thể tạo được một làn sóng thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, khi các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm một môi trường đầu tư có sức cạnh tranh, ngoài Trung Quốc, tại khu vực Đông Nam Á.
Lý giải rõ hơn ý kiến này, ông Dũng nhận định, thời gian qua Samsung đã có nhiều đóng góp lớn đối với kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực TP.HCM nói riêng, là doanh nghiệp thu hút rất nhiều lao động và có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao, chiếm tới hơn 20% tổng GDP của Việt Nam trong những năm gần đây.
Trong nỗ lực cải cách chính sách, cởi bỏ những thủ tục, rào cản không cần thiết nhằm tạo môi trường thuận lợi, ổn định, việc TP.HCM kiến nghị cho Samsung chuyển đổi sang công ty chế xuất thể hiện sự đột phá của thành phố trong việc duy trì và thu hút các đầu tầu FDI, vừa củng cố thêm niềm tin với tập đoàn Samsung và đồng thời cũng là một cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư mới là các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Samsung đến TP.HCM.
Từ tập đoàn Samsung sẽ tạo được những giá trị lan toả, ảnh hưởng tích cực để các tập đoàn lớn khác trên thế giới đến đầu tư tại TP.HCM.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Nguyên Giám đốc R&D Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM.
Ngoài ra, còn tạo điều kiện để các đơn vị trung gian tại địa phương được tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ hệ thống logistics, các đơn vị sản xuất linh kiện, chi tiết, bao bì,… tạo thêm công ăn việc làm và tăng thêm giá trị kinh tế cho doanh nghiệp địa phương.
Từ đây, thành phố cũng sẽ có thêm nguồn thu cũng như giải quyết phần nào vấn đề về lao động, tạo cơ hội vực dậy nền kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Còn về phía Samsung, ông Nguyễn Hoàng Dũng nói, điều đầu tiên nhận thấy rõ nhất đó là với hình thức chuyển đổi mới, Samsung sẽ được hưởng các ưu đãi về các khoản thuế như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tiền sử dụng đất… theo chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp chế xuất.
Bên cạnh đó thì các chính sách, thủ tục đối với doanh nghiệp chế xuất cũng có những đặc thù riêng. Căn bản sẽ mang lại hiệu quả đối với Samsung như chi phí giảm, giá thành sản phẩm sẽ có tính cạnh tranh hơn.
Cộng gộp với những lợi thế có sẵn tại Việt Nam mà trước giờ đã từng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài như môi trường chính trị, kinh doanh ổn định, thuận lợi, nhân công giá rẻ.
Thời gian gần đây, truyền thông quốc tế cũng ca ngợi Chính phủ Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 nhanh hơn và hiệu quả so với các nước khác. Như vậy, thương hiệu, sản phẩm Samsung càng chiếm nhiều ưu thế hơn so với đối thủ cạnh tranh.
Coi trọng việc doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu
Chia sẻ thêm, ông Dũng cũng bày tỏ quan điểm, nếu việc chuyển đổi có hiệu quả sẽ đem lại tiếng vang về chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, về hình ảnh Chính phủ kiến tạo và hành động sẽ lan tỏa rộng rãi, mở đường cho các tập đoàn, các nhà đầu tư quốc tế lớn hướng về Việt Nam mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên cũng phải lưu ý một số vấn đề quan trọng, trải qua 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng có những học phải trả giá, làm sao để doanh nghiệp và nhà nước, người dân đều cùng có lợi.
Tập đoàn Samsung có thể không vướng phải một số vấn đề đó nhưng đây có thể coi đang là một điển hình, một ví dụ cần phải thực hiện tốt để triển khai cho những trường hợp khác.
Thứ nhất, là vấn đề chuyển giao công nghệ, phải tuân thủ đúng cam kết của luật đầu tư nước ngoài, phải đào tạo, chuyển giao công nghệ để đội ngũ kỹ sư, nhân sự Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất phụ trợ của Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, là vấn đề đối xử với người lao động, đặc biệt khi các hiệp định như EVFTA, CPTPP có hiệu lực thì vấn đề này càng phải chú trọng hơn. Nhà đầu tư phải tôn trọng quyền của người lao động, người công nhân tại Việt Nam, phải có chính sách đào tạo, tái đào tạo công nhân để người lao động làm việc được lâu dài.
Phải chia sẻ, bố trí nhân sự các vị trí từ quản lý cấp cao, cấp trung gian cho người Việt tương xứng với công sức, giá trị của người lao động. Mức lương, thưởng đối với nhân sự người Việt cũng phải hài hòa, không phân biệt đối xử giữa người nước ngoài và người Việt.
Thứ ba, là vấn đề về môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Phải tuân thủ các điều kiện bảo vệ môi trường như chất thải, khói, bụi, nước xả, chất rắn, tiếng ồn,… để không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh.
Những vấn đề trên phải được nêu rõ trong đề xuất và có cơ chế, chế tài giám sát, kiểm tra. Doanh nghiệp phải có quy trình, thời gian, tỷ lệ, số liệu cụ thể về chuyển giao công nghệ, về chính sách với người lao động Việt Nam, về vấn đề môi trường.
Nếu doanh nghiệp không thực hiện được thì sẽ chịu mức phạt như thế nào. Tương tự, từ phía Nhà nước, cũng phải có những cam kết cụ thể về những hỗ trợ cho doanh nghiệp trong từng giai đoạn, lộ trình.
"Như vậy mới thể hiện được những đóng góp cụ thể của doanh nghiệp cũng như những hỗ trợ của Nhà nước được cân đo đong đếm rõ ràng, tạo sự minh bạch trong chính sách, để lợi ích của hai bên phải là win-win thì mới đồng hành lâu dài với nhau được", ông Dũng nói.
Xem thêm: mth.52240745101900202-gnusmas-auc-tahn-nol-uc-nac-hnaht-ort-eht-oc-man-teiv/nv.ahos