Đó là thông tin trong Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững mà Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa công bố.
Theo báo cáo của HoREA, trong 5 năm qua, nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, bình quân khoảng trên dưới 35 tỷ USD/năm. Lĩnh vực bất động sản thường xếp thứ 3, có năm vươn lên thứ 2 trong thu hút nguồn vốn FDI. Ví dụ, năm 2019, bất động sản thu hút được 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2%, xếp thứ 2.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, bất động sản chỉ thu hút được 2,87 tỷ USD, xếp thứ 3. Hà Nội là địa phương đứng đầu trong thu hút nguồn vốn FDI vào bất động sản. Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong, Trung Quốc dẫn đầu trong đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Theo HoREA, nguồn vốn FDI đầu tư vào bất động sản thường lựa chọn phương thức đầu tư FDI “chậm mà chắc”, thông qua hoạt động mua bán dự án, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) có các dự án có quỹ đất sạch, đã giải phóng mặt bằng, hoặc tăng dần tỷ trọng sở hữu, nên ít bị rủi ro. Trong hơn 20 năm qua, nhiều doanh nghiệp FDI đã đạt được hiệu quả kinh doanh cao và tạo được vị thế ngày càng lớn trong thị trường bất động sản và nền kinh tế.
Nhìn chung, việc thu hút nguồn vốn FDI đã tác động tích cực đến thị trường bất động sản, như sau:
Thứ nhất, bổ sung nguồn vốn quan trọng, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng;
Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm nhà ở với nét mới về kiến trúc, nâng cao chất lượng xây dựng, tiện ích, dịch vụ;
Thứ ba, nâng cao tính minh bạch và năng lực quản trị doanh nghiệp.
HoREA nhận định, trước đây, có quan ngại về việc “mở cửa” nền kinh tế, thì thị trường bất động sản bị doanh nghiệp nước ngoài thôn tính. Nhưng, qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, có thể nhận định, các Tập đoàn kinh tế Việt Nam, chủ yếu thuộc khu vực tư nhân, đang thống lĩnh thị trường bất động sản, chưa có nguy cơ bị các doanh nghiệp FDI lũng đoạn, thao túng.
Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ hiện tượng người nước ngoài “nấp bóng” người Việt hoặc doanh nghiệp Việt để “mua chui, thâu tóm” đất đai ở các vị trí “nhạy cảm” có liên quan đến quốc phòng, an ninh, như Bộ Quốc phòng đã cảnh báo.
Hoặc hiện tượng doanh nghiệp có liên hệ mật thiết với các nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện “mua gom đất vàng” ở các thành phố lớn, có dấu hiệu đầu cơ đất đai, hoặc tích tụ các quỹ đất lớn tại các vị trí đắc địa.