vĐồng tin tức tài chính 365

Ưu tiên hàng đầu: việc làm

2020-09-10 23:19

Ưu tiên hàng đầu: việc làm

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) - Chính sách đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh từ cuối tháng 7 đến nay đã có sự điều chỉnh so với trước: chống dịch Covid-19 phải đạt được mục tiêu kép, tức không để dịch lây lan nhưng cũng không để đứt gãy các hoạt động kinh tế.

Nhiều công ty dệt may xuất khẩu chuyển sang sản xuất khẩu trang vải để tạo việc làm cho công nhân. Ảnh minh họa TTXVN

Chiến lược này đã thành công bước đầu khi các ổ dịch được khống chế; hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi không có dịch hầu như vẫn được duy trì. Tuy nhiên, trong tình hình cả thế giới vẫn còn đóng cửa, chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều đứt gãy, các ngành như du lịch, hàng không lao đao, chúng ta vẫn rất cần các chính sách mạnh hơn nữa để hỗ trợ người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng vượt qua những tháng còn lại của một năm đầy khó khăn này.

Ở đây kinh nghiệm của các nước cũng đáng tham khảo: nhiều nước đã tập trung sử dụng các chính sách tài khóa hơn là tiền tệ vì chính sách tài khóa có tác động trực tiếp, hiệu ứng nhanh hơn trong khi chính sách tiền tệ ở một số nước cuối cùng chỉ làm tăng giá chứng khoán chứ không giúp gì nhiều cho người dân. Thứ đến, các biện pháp hỗ trợ nên đặt mục tiêu cụ thể là duy trì việc làm cho người lao động, bởi đây chính là chỉ tiêu quan trọng nhất. Nhắm đến tăng trưởng GDP, giải cứu doanh nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu... tất cả cũng sẽ tạo ra công ăn việc làm nhưng không trực tiếp, tiền giải cứu có thể rơi vãi, kết quả của tăng trưởng có thể không đến tay người lao động.

Biện pháp đầu tiên sử dụng cả hai yếu tố nói trên chính là tăng cường đầu tư công, nhưng không chỉ là nhanh chóng triển khai các dự án cơ sở hạ tầng mà còn các dự án đầu tư công dạng khác. Thúc đẩy tốc độ xây dựng chính phủ điện tử cũng là đầu tư công; mua sắm trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch trong tương lai cũng là đầu tư công... Nhìn từ góc độ đó mới thấy rõ các vướng mắc để nhanh chóng tháo gỡ việc giải ngân vốn từ ngân sách, tạo công ăn việc làm.

Biện pháp thứ hai, cũng tham khảo kinh nghiệm từ các nước, là cùng doanh nghiệp trả lương cho công nhân, nhân viên để họ không bị mất việc. Khác với các nước, doanh nghiệp nước ta đối đế lắm mới sa thải công nhân, mà thay vào đó để công nhân tạm ở nhà hưởng một phần lương là phổ biến. Hãy hỗ trợ công nhân bằng cách, ví dụ, doanh nghiệp trả 50% lương, ngân sách hỗ trợ 30% lương, còn lại người hưởng lương chia sẻ khó khăn cùng xã hội.

Tuy nhiên, như nhiều nghiên cứu đã cho thấy, nền kinh tế phi chính thức ở nước ta có thể chiếm đến một phần ba. Hỗ trợ cho công nhân như nói ở trên vẫn sẽ có một tỷ lệ không nhỏ người lao động tự do bị bỏ sót. Đây chính là nơi phát huy tác dụng của mạng lưới hành chính địa phương từ tổ dân phố, mạng lưới thiện nguyện xã hội, các phong trào hỗ trợ người nghèo như ATM gạo từng phát huy tác dụng ở đợt dịch đầu tiên.

Trong cả ba biện pháp, điều có thể gây lo lắng là nạn tham nhũng, bè phái, gian dối và dựa vào quan hệ thân quen để trục lợi. Nhưng như TBKTSG đã có lần đề cập trong mục Ý kiến trước đây, nguyên tắc hậu kiểm sẽ có tác dụng tích cực nhất trong tình huống này.

Chúng ta phải có niềm tin đại đa số sẽ kê khai trung thực, chính xác, chỉ một hai trường hợp cố ý làm sai để tư lợi. Hãy cứ tin người dân để triển khai nhanh chóng các biện pháp hỗ trợ, đi kèm là công tác hậu kiểm với tai mắt bổ sung là sự giám sát của người dân, cộng đồng và báo chí. Phát hiện trường hợp nào sai phạm cứ phạt thật nặng để bất kỳ ai sau này cũng không dám làm trái. Có như thế giải pháp tài khóa nghe xa vời sẽ trở thành rất gần gũi với người dân.

Xem thêm: lmth.mal-ceiv-uad-gnah-neit-uu/289703/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ưu tiên hàng đầu: việc làm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools