Nga sẽ buộc Liên minh châu Âu (EU) và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải chịu trách nhiệm cho việc cáo buộc Moscow sử dụng chất độc hóa học chống lại chính trị gia đối lập Alexei Navalny, hãng thông tấn TASS đưa tin.
Sau khi triệu tập Đại sứ Đức tại Moscow - ông Geza Andreas von Geyr, Bộ Ngoại giao Nga hôm 9-9 đã đưa ra một bản tuyên bố phản đối “chính sách” của Berlin khi cáo buộc ông Navalny bị tấn công bằng chất độc thần kinh Novichok.
“Chính quyền liên bang của Đức và các đồng minh của họ trong NATO và EU sẽ chịu đầy đủ trách nhiệm vì hậu quả của một chính sách như vậy”, Bộ Ngoại giao Nga viết.
Đại sứ Đức tại Moscow - ông Geza Andreas von Geyr. Ảnh: INTERFAX
Thông qua Đại sứ von Geyr, Nga thể hiện “sự phản đối mạnh mẽ” trước “cáo buộc vô căn cứ” liên quan tới ông Navalny. Ngược lại, Moscow chỉ trích Berlin sử dụng vụ việc này như “cái cớ để hủy hoại danh tiếng của Nga trên trường quốc tế”.
Nga yêu cầu phía Đức đưa ra câu trả lời cụ thể, phản hồi công thư ngày 27-8 của Văn phòng Tổng Công tố Nga liên quan đến các thông tin về ông Navalny trong thời gian ông này được điều trị ở Đức.
Nếu Đức không phản hồi thỏa đáng, Nga sẽ coi đó là một “hành vi khiêu khích thù địch trắng trợn” và có thể làm phức tạp thêm tình hình thế giới, Bộ Ngoại giao Nga viết.
Ngày 20-8, ông Navalny phải nhập viện khẩn cấp ở TP Omsk, vùng Siberia (Nga) với triệu chứng nghi bị hạ độc. Tuy nhiên, sau quá trình xem xét kỹ lưỡng vụ việc, phía Nga loại trừ khả năng đây là một đầu độc.
Ngày 22-8, ông Navalny được đưa sang Đức điều trị theo yêu cầu của người nhà bệnh nhân. Sau đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng ông Navalny bị hạ độc bằng Novichok và yêu cầu Điện Kremlin giải thích rõ ràng vụ việc này.
Liên quan tới vụ việc của ông Navalny, NATO và EU đang tăng cường áp lực chống lại Nga. Trong đó, mục tiêu hàng đầu được cho là dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (tức “Dòng chảy phương Bắc” 2).
Nga bác bỏ cáo buộc này. Trong khi đó, Belarus cho rằng tình báo nước này có bằng chứng đây là một vụ việc “giả mạo” chống lại Nga.
(PL)- Tổng thống Alexander Lukashenko viện dẫn các hiệp ước song phương và đa phương giữa Minsk và Moscow, khẳng định quân đội quốc gia Đông Âu này sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Nga.