Giá vàng đang được kỳ vọng đi lên trong vài ngày tới ( Ảnh: Thy Thơ)
Trước đó, đầu phiên giao dịch ngày 10-9, giá vàng đã có dấu hiệu đi lên nhưng có lẽ do thị trường đang chờ đợi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố chính sách tiền tệ mới, nên từ 9 giờ đến 17 giờ cùng ngày, giá vàng biến động lình xình quanh 1.945-1.947 USD/ounce. Đến khoảng 20 giờ, ECB công bố giữ nguyên lãi suất âm 0,5%, tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ kinh tế. Lập tức, USD suy yếu so với euro (1 USD đổi được 1,19 euro) khiến giá vàng thế giới tăng một mạch 20 USD/ounce lên 1.965 USD/ounce. Đến rạng sáng ngày 11-9, vàng lại lao xuống dốc còn 1.945 USD/ounce
Tại Việt Nam, giá vàng SJC trong ngày 10-9 tăng 300.000 đồng/lượng, từ 56,45 triệu đồng lượng lên 56,75 triệu đồng/lượng. Dự báo, khoảng 8 giờ ngày 11-9, giá vàng trong nước sẽ có điều chỉnh không đáng kể nhưng vẫn tiếp tục cao hơn 2 triệu đồng/lượng so với giá thế giới quy đổi là 54,4 triệu đồng/lượng
Giá vàng tăng, giảm mạnh khi euro tăng giá so với USD. Không ít đại gia vàng thế giới đang đứng trước tình thế chốt lời hoặc cắt lỗ vì trong ngày 10-9 họ đã mua vào khoảng 4 tấn vàng. Riêng quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares mua gần 3 tấn vàng, nâng số lượng vàng đang nắm giữ lên gần 1.253 tấn.
Dưới góc độ kỹ thuật, giới đầu tư dự báo nếu trong ngắn hạn vàng vẫn trụ vững trên 1.900 USD/ounce thì giá của kim loại này sẽ hướng đến 2.000 USD/ounce; ngược lại, giá vàng có thể lùi về 1.860 - 1.810 USD/ounce.
Một số nhà phân tích nhận định các thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, sự gia tăng liên tục của các ca nhiễm COVID-19 là những yếu tố hỗ trợ quan trọng cho giá vàng. Thế nhưng, tốc độ tăng giá mạnh mẽ của vàng sẽ diễn ra khi đồng USD tiếp tục suy yếu, nhiều quốc gia trên thế giới bố sung thêm gói hỗ trợ kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh.