Người dân mang tro cốt người thân đến gửi tại chùa Quan Âm Tu Viện, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN
Chuyện ở TP.HCM, nơi diện tích đất chôn cất tại các nghĩa trang đã dần thu hẹp, thành phố đã quy định cấm chôn cất ở khu dân cư.
Gửi bằng lòng tin
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc gửi tro cốt tại chùa khá đơn giản: chỉ có giấy ghi tên người mất, thân nhân để nhà chùa thờ tự, tụng niệm. Các chùa cũng không thể làm hợp đồng và người dân cũng chỉ mang đến gửi bằng lòng tin.
Chị N.H.T., ngụ quận Gò Vấp, cho biết trước đây gia đình gửi tro cốt của bà chị vào chùa. Mỗi tháng gia đình sẽ đến chùa thắp hương một lần, sau đó thưa dần.
Cho đến một hôm chùa sửa chữa, phần tro cốt của bà tôi cùng nhiều người bị dời ra một góc. May mắn, di ảnh vẫn còn trên hũ cốt, sau đó xin nhà chùa bố trí một vị trí và người nhà đến chùa thường xuyên hơn vì sợ xảy ra sự việc tương tự.
Nhiều người bạn của chị T. gửi tro cốt người thân vào chùa, một thời gian sau vào thăm đã phát hiện tro cốt được dịch chuyển nơi khác, phải mất thời gian đi tìm.
Sau khi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa, gia đình anh T.M.L. (ngụ quận Tân Phú) mang một phần tro cốt về quê hương để rắc xuống sông, một phần cho vào hủ gửi ở một ngôi chùa gần nhà.
Gia đình anh L. không định gửi vĩnh viễn nên chọn gửi theo từng năm, chi phí "cúng dường tùy tâm". Việc gửi tro cốt vào chùa hiện nay hầu hết được ghi nhận bằng một biên nhận để gia đình giữ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, sư cô Thích Nữ Huệ Đức, trụ trì chùa Quan Âm Tu Viện (quận Phú Nhuận), cho biết hiện nay chùa không còn nhận giữ hũ cốt nữa do không còn chỗ để thờ cúng chu toàn cho người đã mất.
Cũng theo sư cô Huệ Đức, khi gửi tro cốt, đại diện gia đình đem CMND tới làm thủ tục đăng ký, chùa chỉ làm việc với người đại diện ký gửi. Hũ cốt được mã số hóa và quản lý bằng sổ sách và sơ đồ theo từng khu vực. Giấy đăng ký thủ tục gửi tro cốt ở chùa ghi rõ thời hạn 100 năm.
Tư nhân hóa và chuyên nghiệp hóa
TP.HCM đã có quy định không được chôn cất người chết trong khu dân cư, ngoài các nghĩa trang đã được xây dựng và quản lý theo quy hoạch. Nhiều chùa đã không thể nhận thêm tro cốt nhưng nhu cầu gửi vẫn tăng cao. Và dịch vụ gửi tro cốt vào các công trình do tư nhân đầu tư bắt đầu phát triển.
Công viên hỏa táng tháp Long Thọ (hợp tác giữa TP.HCM với tư nhân) đã triển khai dịch vụ này từ năm 2016 đến nay với hợp đồng rõ ràng, thu phí tùy vào gói dịch vụ. Người dân gửi tro cốt vào nhà lưu tro cốt hoặc tháp lưu tro cốt của đơn vị này tại huyện Củ Chi.
Theo bà Huỳnh Thị Trinh - giám đốc điều hành Công viên hỏa táng tháp Long Thọ, chi phí gửi tro cốt tại đây từ 20 đến hơn 80 triệu đồng tùy vào vị trí tại tòa tháp.
Đối với nhà tro cốt, chi phí từ 500.000 đồng đến khoảng 20 triệu đồng tùy vào thời hạn gửi dưới 100 ngày, gửi 3 năm hay lâu dài. Các dịch vụ lau dọn đều quy định mức phí cụ thể, phí này sẽ đóng 1 lần cho 10 năm ngay sau khi ký hợp đồng. Tất cả các điều khoản đã thảo luận đôi bên đều được ghi rõ tại bản hợp đồng.
Bà Trinh cho biết hợp đồng ghi rõ vị trí đã chọn đặt tro cốt, trường hợp lâu ngày thân nhân không ghé, tro cốt vẫn yên vị. Có trường hợp người thân ở nước ngoài, không về được, muốn thủy táng, đơn vị có hỗ trợ. Có trường hợp người thân muốn cúng giỗ nhưng không tới được, đơn vị sẽ làm và quay lại video cho người nhà xem
Người dân xác nhận thông tin trước khi vào nhận diện hũ tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp, TP.HCM (ảnh chụp chiều 10-9) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đặt chỗ trước từ nhiều năm
Ba tôi qua đời tháng 5-2020. Theo di nguyện của ba, gia đình đã đưa ông đi hỏa táng và gửi tro cốt tại chùa gần nhà.
Chùa này đã xây dựng khu vực để tro cốt cách đây 5-6 năm, chúng tôi đã đăng ký được 2 ngăn cho ba má với mức đóng góp là 3 triệu đồng/ngăn. Khi rước cốt của ba tôi vào ngăn (đã được chọn trước), toàn bộ kệ này đã kín. Chùa làm thêm một kệ đối diện đều đã có người đăng ký.
Để tiết kiệm không gian khu vực lưu giữ tro cốt nên chuyển hóa thành thạch cốt ép pha lê theo tỉ lệ nhỏ vừa gọn nhẹ vừa hợp vệ sinh môi trường.
Số tro cốt, thạch cốt cần được số hóa dữ liệu; khi có di dời, sửa chữa vẫn có thể tìm được. Việc gửi và nhận giữ tro cốt, thạch cốt phải chuyên nghiệp hóa từ khâu lập hồ sơ tiếp nhận với đầy đủ thông tin, điều khoản cần thiết đến quy định phát sinh sau này.
NHẬT DUYÊN (Khánh Hòa)
Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị (Đoàn luật sư TP.HCM):
Cần chính sách hậu hỏa táng
Nhu cầu gửi tro cốt, thạch cốt, ảnh thờ vào các cơ sở thờ tự, tôn giáo ngày càng tăng. Đã đến lúc chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động lưu giữ tro cốt, thạch cốt sau hỏa táng.
Cùng với chính sách quy hoạch đất nghĩa trang, các địa phương hiện nay cũng cần quy hoạch không gian lưu giữ tro cốt với đầy đủ các quy chuẩn cho dịch vụ này.
Có thể thấy hiện nay chỉ mới có quy hoạch quỹ đất đối với hình thức an táng, trong khi phần đông người dân đô thị chọn hỏa táng thay cho an táng. Gửi tro cốt không chỉ là nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng mà là vấn đề xã hội, chính sách cho người đã khuất.
Việc gửi tro cốt cần làm bài bản hơn, nên thể hiện bằng văn bản, hợp đồng đầy đủ điều khoản như quy định trách nhiệm của bên gửi và bên nhận giữ tro cốt, mức phí, thời hạn lưu giữ, lưu trữ thông tin… Trong đó có hai vấn đề cần lưu ý là về mức phí gửi giữ và thời hạn lưu giữ.
Khi ghi nhận rõ ràng như vậy sẽ thuận lợi cho việc giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn có thể phát sinh sau này. Về lâu dài không thể duy trì mãi kiểu gửi và nhận bằng lời với những hình thức gọi là "đóng góp", "cúng dường", "công đức"…
Khi chưa có quy định chung, đôi bên cũng nên có thỏa thuận về thời hạn gửi tro cốt. Việc này nhằm giảm áp lực cho cơ sở lưu giữ và phù hợp với thực tiễn.
Giữ tro cốt Đài Loan, Nhật Bản: chuyên nghiệp và đắt đỏ
Dịch vụ chăm sóc tro cốt người quá cố là một ngành kinh doanh lớn ở Đài Loan và nhiều quốc gia châu Á khác, và có đặc điểm chung là chi phí khá đắt đỏ.
Ở gần biển phía bắc của Đài Loan có tòa tháp cao 20 tầng tên True Dragon, được điều hành bởi công ty dịch vụ tang lễ lớn hàng đầu thế giới Lung Yen Life Service. Một ngăn nhỏ ở tháp này có kích thước khoảng 22 x 25 cm, giá khởi điểm khoảng 200.000 đài tệ (6.500 USD). Trong khi đó, mức lương trung bình hằng tháng của một công nhân ở Đài Loan khoảng 40.000 đài tệ.
Theo Taipei Times, người Đài Loan đang chuộng xu hướng hỏa táng "xanh" - chôn cất tro cốt với cây xanh, hoa hay thả ra biển, không thắp hương cũng không dựng bia. Với lễ chôn cất bằng hoa và cây, tro cốt sẽ được chôn trong một công viên quy hoạch sẵn. Với lễ chôn cất trên biển, tro sẽ được đặt trong hộp giấy và thả trôi ra biển trên một con thuyền nhỏ.
Ở Nhật, tro cốt sau hỏa táng được giao cho gia đình mang về nhà hoặc gửi chùa. Từ năm 2006, các ngôi chùa Phật giáo đã xây dựng những ngôi mộ trang nhã làm nơi lưu giữ hài cốt của người đã khuất.
Ở trung tâm Tokyo có một ngôi mộ bằng gỗ bề thế tên là Ruriden, bên trong có hơn 2.000 bức tượng Phật được chiếu sáng bằng đèn LED, mỗi bức tượng chứa tro của một người. Mỗi bức tượng Phật có
giá tới 6.600 USD và 80 USD phí duy trì hằng năm.
Ngày càng có nhiều người Nhật cho rằng rải tro đi nơi khác sẽ giải phóng con cái khỏi gánh nặng phải hương khói hay thăm viếng mộ phần.
MINH KHÔI tổng hợp
TTO - Thượng tọa Thích Quang Thạnh cho biết trong ngày đầu tiên nhận diện hũ tro cốt, di ảnh tại chùa Kỳ Quang 2, đã có 101 gia đình nhận diện được 190 hũ tro cốt của người nhà.
Xem thêm: mth.90763932201900202-toc-ort-uig-uul-aoh-nauhc/nv.ertiout