Dịch bệnh COVID-19 khiến các chuyến bay ra nước ngoài bị hạn chế. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã đưa ra các lời mời chào hấp dẫn giao hàng ra nước ngoài để thực hiện các hành vi lừa đảo.
"Tôi muốn gửi đồ cho chị gái nên đã đăng lên một group của những người chuyên vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Đức. Khi đăng lên, một người tên Phượng đã nhận vận chuyển hàng với cước phí lên tới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi cầm tiền và hàng, người này đã biến mất", chị Hoàng Ngọc Oanh, một nạn nhân chia sẻ.
Những lời mời chào hấp dẫn trên các hội nhóm trên Facebook đã khiến nhiều người tiêu dùng cả tin bị sập bẫy.
Theo tìm hiểu của phóng viên VTV Digital, hiện có khoảng 10 hội nhóm giao hàng kiểu này với sự tham gia của khoảng 70.000 người. Phần lớn đứng phía sau các group này là các đối tượng lừa đảo. Đánh cắp được thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, hay trên các dịch vụ giao hàng online, dịch vụ hàng không và biết được nhu cầu của người cần gửi hàng, các đối tượng đã nhanh chóng liên hệ để thực hiện hành vi lừa đảo.
Không chỉ nhận chuyển hàng, nhiều đối tượng còn giả danh nhân viên của công ty vận chuyển chuyên nghiệp, gọi điện đến nhận hàng đi giao và đã biến mất cùng hàng và phí vận chuyển.
"Tôi đã kiểm tra thông tin của nhân ship hàng đó trên các trang facebook và zalo. Điều quan trọng nhất để tôi tin là bạn ấy nắm được lịch bay của các hãng hàng không. Sau khi thấy các thông tin trên đều đúng nên tôi đã tin tưởng và giao hàng", chị Trần Thị Hằng, một nạn nhân khác cho hay.
Không chỉ người trên các hội nhóm, nhiều đối tượng còn giả dạng là shipper giao hàng của các công ty lớn để lừa đảo.
Đại diện của một số đơn vị giao nhận hàng cho biết, trong thời gian qua đa số các công ty vận chuyển, giao nhận hàng nào cũng là nạn nhân của tình trạng các shipper giả danh. Việc vận chuyển ra nước ngoài, hiện tại phần lớn vẫn thuộc các ông lớn Logistics nước ngoài. Tuy nhiên do giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, khiến nhiều hoạt động bị ngừng trệ. Vì vậy, nhu cầu vận chuyển, giao nhận hàng hóa qua đường xách tay tăng cao, rất dễ bị các đối tượng trên lợi dụng.
"Trong trường hợp hàng hóa không biết ở đâu, chúng tôi sẽ phối hợp với các bên như khách hàng, tài xế, thậm chí cả cơ quan chức năng để tìm ra nguồn hàng. Nếu không tìm thấy chúng tôi sẽ bồi thường thiệt hại bằng tiền mặt tương đương giá trị quy đổi về tiền của hàng hóa", ông Hoàng Tuấn Minh, Quản lý Công ty Lalamove Việt Nam cho hay.
Ngoài ra, một trong những dấu hiệu của các đối tượng lừa đảo dạng này là thường dùng sim rác để liên lạc. Thông tin không rõ ràng, còn các giao dịch thường không cố định, và có sự thay đổi liên tục. Vì vậy, việc lựa chọn một công ty vận chuyển, giao nhận chính thống sẽ được các gói bảo hiểm về hàng hóa, sẽ được theo dõi, giảm sát hàng hóa thông qua các ứng dụng công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Xem thêm: mth.91694024111900202-nas-iat-taod-meihc-ed-gnah-pihs-oad-aul-oab-hnac/et-hnik/nv.vtv