Khách hàng mua căn hộ tại dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn căng băngrôn đòi chủ đầu tư bàn giao căn hộ vào đầu năm nay - Ảnh: THÁI THỊNH
HOSE đưa ra lý do cắt giao dịch ký quỹ của FLC: "Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC (báo cáo tài chính) hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2020 là số âm".
Theo đó, bán niên 2020 FLC ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 20% so với cùng kì năm trước xuống còn xấp xỉ 1.622 tỉ đồng.
Sau 6 tháng kinh doanh đầu năm 2020, giá vốn bán hàng FLC giảm 16% so với cùng kì xuống còn 1.331 tỉ đồng. Đồng thời, lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ âm 33% so với bán niên 2019 xuống còn gần 291 tỉ đồng. Ở bối cảnh đó, chi phí tài chính lại tăng đến 525% lên hơn 1.580 tỉ đồng.
Trong khi nửa đầu năm trước FLC gặt hái được hơn 551 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế thì sang cùng kì năm nay lại quay đầu lỗ ròng hơn 1.303 tỉ đồng.
Bà Bùi Hải Huyền - Tổng giám đốc, đại diện FLC giải trình về kết quả kinh doanh thua lỗ: "Do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 và lợi nhuận gộp lần lượt giảm 20% và 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng mạnh do ảnh hưởng của trích lập dự phòng khoản đầu tư ở công ty con theo thông tư số 48 của Bộ Tài chính. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh và đổi chiều từ lãi 551 tỉ đồng thành lỗ 1.303 tỉ đồng".
Chốt phiên giao dịch hôm nay 11-9, giá cổ phiếu FLC nằm mức 3.120 đồng, vốn hóa thị trường đạt hơn 2.215 tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, biến động giá cổ phiếu này âm hơn 32%. Song trong vòng 1 tháng nay mã FLC đã tăng hơn 7%.
Trước đó, một gương mặt khác thuộc họ FLC là Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros cũng bị cắt giao dịch ký quỹ với cùng lý do trên.
Tính đến hôm nay, HOSE đã cắt quyền giao dịch ký quỹ của 91 tổ chức niêm yết. Ngoài hai gương mặt trên còn có hàng loạt doanh nghiệp nổi bật khác đứng trong danh sách như: Vietnam Airlines, GTNFoods, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Đức Long Gia Lai, An Phát Holdings, Tập đoàn Bảo Việt, Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Bóng đèn Điện Quang, May Sông Hồng...
Bên cạnh nguyên nhân lợi nhuận sau thuế bán niên 2020 âm, thì còn có các lý do phổ biến khác như: thời gian niêm yết dưới 6 tháng, chứng khoán thuộc diện cảnh báo, chứng khoán thuộc diện kiểm soát đặc biệt, báo cáo tài chính có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán…
TTO - Trong lúc đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC diễn ra sáng 9-6, hàng loạt khách hàng đã tụ tập treo băngrôn tại trụ sở FLC ở Hà Nội và văn phòng đại diện tại TP.HCM.