Bộ Công nghệp và Công nghệ Thông tin (MIIT) Trung Quốc hôm nay thông báo sẽ đầu tư khoảng 103,8 tỷ USD vào 105 dự án trên khắp đất nước, trong đó khoảng 43,9 tỷ USD đến từ các khoản vay ngân hàng.
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) đồng ý cho vay khoảng 18,3 tỷ USD để phát triển 24 dự án. CDB cho biết họ cấp hạn mức tín dụng trị giá 36,6 tỷ USD cho các dự án này hồi cuối tháng 3, đồng nghĩa việc mở dòng vốn vay chính phủ để tài trợ cho các dự án quan trọng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, MIIT và CDB chưa công bố danh sách các dự án được ưu đãi.
Hoạt động phối hợp trực tiếp hiếm có giữa MIIT và CDB trong cấp vốn cho các dự án trọng điểm nằm trong chiến lược "lưu thông kép" mới được Trung Quốc đưa ra. Theo kế hoạch này, Trung Quốc sẽ tìm cách tự lực tạo ra đột phá công nghệ và cắt giảm phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu trong bối cảnh xung đột thương mại kéo dài với Mỹ.
Chính phủ Trung Quốc đã ban hành loạt chính sách nhằm thúc đẩy phát triển trong ngành sản xuất chất bán dẫn. Việc nhà nước tăng cường can thiệp vào nền kinh tế có thể trở thành chủ đề thảo luận trong cuộc họp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu EU do Thủ tướng Đức Angela Merkel dẫn đầu, dự kiến diễn ra ngày 28/9.
Một trong những trở ngại lớn với việc ký kết hiệp ước đầu tư EU - Trung Quốc là các nước châu Âu yêu cầu Trung Quốc giảm trở cấp cho các ngành công nghiệp trong nước nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nước ngoài.
Việc nhà nước tham gia ngày càng nhiều vào phát triển công nghiệp làm tăng lo ngại về lãng phí và kém hiệu quả. Trung Quốc từng nỗ lực phát triển ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và xe điện thông qua quy hoạch nhà nước, song lại dẫn đến dư thừa sản xuất. Một số dự án sản xuất chip cao cấp tại Trung Quốc thất bại bất chấp chính quyền địa phương hỗ trợ đáng kể.
Theo thông tư do MIIT ban hành vào tháng 4, hạn mức tín dụng lãi suất thấp từ ODB cho một dự án có thể tới khoảng 146,2 triệu USD. Các dự án đủ điều kiện hưởng khoản tín dụng ưu đãi phải nằm trong các ngành công nghiệp hiện đại như công nghệ thông tin, vật liệu mới, thiết bị cao cấp, phương tiện tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng mới, thiết bị y tế và dược phẩm, đổi mới công nghệ các dự án sản xuất truyền thống, các dự án cơ sở hạ tầng mới như mạng viễn thông 5G và trung tâm dữ liệu lớn.
Các lĩnh vực này giống danh sách các ngành công nghiệp chủ chốt được liệt kê trong chương trình "Made in China 2025", kế hoạch nhà nước nhằm tạo ra những "doanh nghiệp quán quân" cấp quốc gia ở ở lĩnh vực công nghệ tiên tiến với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc.
Trung Quốc phải gác lại kế hoạch này sau khi bị Mỹ và châu Âu phản đối mạnh mẽ. Dù Trung Quốc không đề cập về "Made in China" trước công chúng, chính phủ nước này vẫn nuôi tham vọng sử dụng quyền lực nhà nước để tạo ra các "doanh nghiệp quán quân" trong các ngành công nghiệp.
Chương trình phối hợp của MIIT và CDB là một phần trong nỗ lực đạt được "mức phát triển chất lượng cao trong lĩnh vực sản xuất" của Trung Quốc, sau khi nhiều doanh nghiệp của nước này, trong đó gồm Huawei, bị Washington đưa vào "danh sách đen" và hạn chế quyền tiếp cận với các sản phẩm hoặc công nghệ Mỹ.
MIIT đang phải đối phó với tác động từ chính sách của Mỹ và đại dịch Covid-19, đồng thời phải giải quyết các vấn đề lâu dài như thúc đấy cơ sở sản xuất quốc gia. MIIT đang soạn thảo kế hoạch phát triển mới giai đoạn 2021-2015 theo chiến lược tự lực mới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tiêu Á Khánh, người mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng công nghiệp Trung Quốc, hồi tuần trước tới thăm nhà máy lắp ráp máy bay phản lực cỡ lớn, cơ sở nghiên cứu động cơ phản lực và các hãng sản xuất vi mạch tích hợp ở Thượng Hải. Bộ trưởng Tiêu Á Khánh kêu gọi các công ty "đạt được đột phá trong các lĩnh vực chính và công nghệ lõi".
MIIT đang soạn thảo kế hoạch 5 năm nhằm thúc đẩy lĩnh vực dữ liệu lớn, phần mềm, công nghệ thông tin và viễn thông "với các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển rõ ràng", Bộ trưởng Tiêu Á Khánh nói tại diễn đàn trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc cuối tuần trước.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giai đoạn tháng 1-7 tại nước này giảm 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng đầu tư toàn quốc giảm 1,6%.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)